Hoàng Tử Bé
Antoine de Saint Exupéry
MINH HỌA MÀU NƯỚC CỦA TÁC GIẢ
TRÁC PHONG dịch và giới thiệu
Tặng Léon Werth
Tôi xin được các em nhỏ thứ lỗi vì đã để tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lý do quan trọng : người lớn này là bạn thân nhất của tôi ở trên đời. Tôi có thêm một lý do nữa: người lớn này có thể hiểu hết mọi thứ, kể cả sách cho trẻ con. Tôi còn có lý do thứ ba đây: người lớn này sống ở nước Pháp, nơi anh ấy đang bị đói và rét. Anh ấy cần được an ủi. Nếu tất cả những lý do này vẫn không đủ, thì tôi xin đề tặng cuốn sách này cho cậu bé mà trước kia người lớn ấy vốn từng là. Người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con. (Nhưng ít người trong bọn họ nhớ được điều đó.) Vì vậy tôi chữa lại lời đề tặng của mình:
Tặng Léon Werth
khi anh còn là cậu bé
Hoàng Tử Bé
Saint-Exupéry
TRÁC PHONG dịch
I
Hồi lên sáu, có lần tôi đã nhìn thấy một bức tranh tráng lệ trong một quyển sách về rừng già tên là Những chuyện có thật. Bức tranh vẽ một con trăn đang nuốt một con ác thú. Phía trên là phỏng lại bức tranh ấy.
Người ta viết ở trong quyển sách đó: "Loài trăn nuốt chửng cả con mồi mà không nhai. Sau đó chúng không thể cử động nổi và cứ thế chúng ngủ luôn sáu tháng trời để tiệu hóa."
Khi ấy tôi đã suy nghĩ rất lung về những chuyện hung hiểm ở trong rừng, rồi đến lượt mình, tôi cũng đã vẽ được bức họa đầu tiên, bằng một cái bút chì màu. Bức họa số 1 của tôi. Nó như thế này:
Tôi chìa kiệt tác của mình cho những người lớn xem và hỏi xem họ có thấy sợ bức tranh của tôi không.
Họ đáp: "Tại sao lại phải sợ một cái mũ?"
Bức họa của tôi đâu có vẽ một cái mũ. Nó vẽ phía bên trong của con trăn, để cho những người lớn có thể hiểu được. Họ lúc nào cũng cần được giảng giải. Bức họa số 2 của tôi như thế này:
Những người lớn khuyến tôi nên dẹp sang một bên cả bức vẽ trăn kín bụng lẫn trăn hở bụng, mà chú tâm vào các môn địa lý, lịch sử, làm tính và ngữ pháp thì hơn. Chính vì thế mà vào hồi sáu tuổi tôi đã từ bỏ một sự nghiệp hội họa rực rỡ. Tôi đã bị nản chí sau thất bại với bức vẽ số 1 và bức vẽ số 2. Những người lớn có bao giờ tự họ hiểu được thứ gì đâu, luôn luôn và mãi mãi trẻ con cứ phải đi giải thích cho các vị, đến khổ!
Vì vậy tôi đành chọn một nghề khác và tôi đã học lái máy bay. Tôi đã bay hầu như khắp nơi trên thế giới. Và đúng thật là môn địa lý đã giúp tôi rất nhiều. Tôi biết cách nhận ra đâu là Trung Quốc đâu là Arizona chỉ qua một cái liếc mắt. Cái đó rất là hữu ích, nếu như mình bị lạc trong đêm.
Vậy là suốt đời mình, tôi đã có hàng đống cuộc gặp gỡ với hàng đống người đứng đắn. Tôi đã sống quá nhiều ở giữa những người lớn. Tôi đã nhìn họ quá là cận kề. Điều ấy cũng chẳng cái thiện gì mấy quan điểm của tôi.
Mỗi khi gặp người lớn nào mà tôi thấy có vẻ khôn ngoan một tí, tôi lại thử nghiệm với anh ta bằng bức vẽ số 1 mà tôi vẫn hằng giữ. Tôi muốn xem người này có thật là hiểu biết không. Nhưng lúc nào mà họ chẳng bảo tôi: "Đây là cái mũ." Thế là tôi chẳng buồn nói chuyện với anh ta về trăn, về rừng già hay là tinh tú gì nữa. Tôi hạ mình xuống cho vừa tầm với anh ta. Tôi nói với anh ta chuyện bài bạc, chuyện đánh golf, chuyện chính trị rồi chuyện cà vạt. Và người lớn kia hài lòng hết sức vì đã làm quen được với một người biết điều đến thế.
II
Tôi cứ sống cô độc như vậy, chẳng có một ai để chuyện trò thật sự, cho tới một lần gặp nạn ở sa mạc Sahara cách đây sáu năm. Có thứ gì đó bị vỡ trong động cơ máy bay. Và vì ở bên cạnh chẳng có thợ máy cũng như hành khách nào nên một mình tôi sẽ phải cố mà sửa cho bằng được vụ hỏng hóc nan giải này. Với tôi đó thật là một việc sống còn. Tôi chỉ có vừa đủ nước để uống trong tám ngày.
Thế là đêm đầu tiên tôi ngủ trên cát, cách mọi chốn có người ở cả nghìn dặm xa. Tôi cô đơn hơn cả một kẻ đắm tàu sống sót trên bè giữa đại dương. Thế nên các bạn cứ tưởng tượng tôi đã ngạc nhiên làm sao, khi ánh ngày vừa rạng, thì một giọng nói nhỏ nhẹ lạ lùng đã đánh thức tôi. Giọng ấy nói:
"Ông làm ơn ... vẽ cho tôi một con cừu!
- Hả!
- Vẽ cho tôi một con cừu ..."
Tôi nhảy dựng lên như thể bị sét đánh. Tôi dụi mắt ra trò. Tôi nhìn sững. Và tôi thấy một cậu chàng bé nhỏ quá ư lạ thường đang ngó tôi trầm trọng. Đây là bức chân dung đẹp nhất của cậu mà sau này tôi đã vẽ được. Nhưng dĩ nhiên là bức vẽ của tôi còn lâu mới sánh được với nguyên mẫu. Đó không phải lỗi của tôi. Tôi đã bị người lớn làm cho nản chí với sự nghiệp hội họa từ tuổi lên sáu, và tôi có tập vẽ vời gì nữa đâu, ngoài trăn kín bụng và trăn hở bụng.
Vậy là tôi cứ nhìn mãi sự hiện hình ấy bằng đôi mắt trợn tròn lên vì kinh ngạc. Các bạn đừng quên là tôi đang cách xa nơi có người ở cả nghìn dặm. Ấy vậy mà tôi thấy cậu chàng bé nhỏ không có vẻ gì là bị lạc, hay là đang chết mệt, hoặc sắp chết đói, chết khát, hoặc là đang sợ chết đi được. Bộ dạng của cậu chẳng giống tẹo nào một đứa trẻ bị lạc giữa chốn sa mạc, cách xa nơi có người ở cả nghìn dặm.
Sau cùng, khi đã thốt được nên lời, tôi bảo cậu:
"Nhưng ... cậu làm gì ở đây vậy?"
Vậy là cậu hỏi lại tôi, hết sức chậm rãi, như thể đó là một chuyện rất hệ trọng:
"Ông làm ơn ... vẽ cho tôi một con cừu ..."
Khi sự huyền bí thật quá đỗi ghê gớm, ta đâu dám không tuân thủ. Dẫu rằng với tôi việc này thật cũng phi lý hết sức, cách xa nơi có người ở cả nghìn dặm và chẳng biết sẽ sống hay chết, tôi vẫn rút trong túi ra một mảnh giấy và một cái bút máy. Nhưng rồi tôi nhớ ra rằng tôi đã chỉ học địa lý, lịch sử, làm tính và ngữ pháp là chính nên tôi bảo cậu chàng bé nhỏ (với một chút buồn phiền) rằng tôi không biết vẽ. Cậu trả lời tôi:
"Chẳng sao hết. Vẽ cho tôi một con cừu."
Vì tôi chưa vẽ cừu bao giờ nên tôi đã họa lại cho cậu một trong hai bức tranh duy nhất mà tôi có thể vẽ. Bức họa trăn kín bụng. Và tôi sững người khi nghe thấy cậu chàng bé nhỏ ấy nói:
"Không! Không! Tôi không muốn một con voi ở trong bụng một con trăn. Con trăn thì rất nguy hiểm, còn con voi thì quá kềnh càng. Chỗ tôi ở bé tí xíu. Tôi cần một con cừu. Vẽ cho tôi một con cừu."
Tôi đành vẽ vậy.
Cậu nhìn chăm chú, rồi:
"Không! Con đó ốm quá. Vẽ con khác đi."
Tôi vẽ tiếp:
Anh bạn nhỏ mỉm cười hiền hòa và độ lượng:
"Ông thấy đó ... đây không phải là một con cừu con, mà là con cừu đực. Nó có sừng kìa ..."
Thế là tôi họa lại bức tranh lần nữa:
Nhưng cậu vẫn không chịu, như những lần trước:
"Còn này già quá rồi. Tôi muốn một con cừu sống được lâu kia."
Thế là, mất hết kiên nhẫn, vì tôi còn phải mau chóng bắt tay vào tháo động cơ ra nữa, tôi đã nguệch ngoạc ra cái bức vẽ này đây:
Và tôi chìa ra:
"Đây là cái hòm. Con cừu mà cậu muốn ở bên trong đó."
Nhưng tôi ngạc nhiên quá đỗi khi thấy gương mặt cậu chàng giám khảo bừng sáng:
"Như vậy là hoàn toàn đúng ý tôi đấy. Ông nghĩ liệu có cần nhiều cỏ cho con cừu này ăn không?
- Sao thế?
- Bởi vì chỗ tôi ở bé tí xíu...
- Chắc chắn là đủ. Tôi vẽ cho cậu con cừu bé tí mà."
Cậu nghiêng đầu về phía bức vẽ:
"Cũng không bé lắm đâu... Trông kìa! Nó đang ngủ ..."
Tôi đã làm quen với hoàng tử bé như vậy đó.
III
Phải rất lâu sau tôi mới hiểu ra cậu đến từ đâu. Hoàng tử bé luôn hỏi tôi hết chuyện này tới chuyện khác mà dường như chẳng bao giờ nghe thấy tôi hỏi gì. Chính những lời mà cậu vô tình thốt ra đã dần dần tiết lộ cho tôi tất cả. Như là cái lần đầu tiên cậu nhìn thấy máy bay của tôi (tôi sẽ không vẽ máy bay của tôi đâu, đó là một bức vẽ quá phức tạp đối với tôi), cậu hỏi:
"Kia là vật gì thế?
- Kia không phải là một vật đâu. Nó bay được đấy. Đó là một cái máy bay. Đó là máy bay của tôi."
Và tôi hãnh diện cho cậu biết rằng tôi cũng bay được.
Thế là cậu kêu lên:
"Sao kia! Ông cũng từ trên trời rơi xuống!
- Phải, tôi nói khiêm tốn.
- Ôi! Sao hay thế nhỉ!..."
Và hoàng tử bé bật cười giòn giã vui tươi khiến tôi khó chịu lắm. Tôi không muốn người khác coi nhẹ nỗi bất hạnh của tôi. Rồi cậu nói thêm:
"Vậy ra ông cũng từ trên trời xuống đáy! Ông sống ở hành tinh nào?"
Tức thì tôi thoáng thấy một tia sáng rọi vào sự có mặt bí ẩn của cậu, và tôi hỏi độp luôn:
"Vậy ra cậu đến từ một hành tinh khác?"
Nhưng cậu chẳng trả lời tôi. Cậu vừa ngắm nhìn cái máy bay của tôi vừa khẽ lắc đầu:
"Dùng cái đó thì thật ra ông cũng chẳng thể đến từ chốn nào xa xôi quá được..."
Và cậu chìm trong một cơn mơ mộng kéo dài. Thế rồi cậu lôi con cừu tôi vẽ từ trong túi ra và say sưa ngắm nghía nó như ngấm một báu vật.
Các bạn cứ tưởng tượng xem tôi đã bị khích động ra sao trước lời tiết lộ nửa vời về "những hành tinh khác" như vậy. Thế nên tôi càng cố tìm hiểu kỹ hơn:
"Cậu từ đâu đến vậy hả cậu chàng? Chỗ cậu ở là chỗ nào vậy? Cậu muốn mang con cừu của tôi đi đâu mới được?"
Cậu trả lời tôi sau một hồi im lặng suy nghĩ:
"Ông cho tôi cái hòm đúng thật là hay, vì ban đêm đấy sẽ là nhà của nó.
- Dĩ nhiên rồi. Và nếu cậu biết điều, tôi sẽ cho cậu cả một sợi thừng để buộc nó lại vào ban ngày. Với cả một cái cọc nữa."
Lời đề nghị có vẻ làm hoàng tử bé bất bình:
"Buộc nó lại ư? Ý tưởng gì mà kỳ quặc!
- Nhưng nếu cậu không buộc nó lại, nó sẽ đi lung tung, rồi nó sẽ bị lạc mất."
Thế là cậu bạn tôi lại phá lên cười:
"Nhưng ông nghĩ nó đi đâu được cơ chứ!
- Đầu mà chẳng được. Cứ thẳng trước mặt nó thôi..."
Thế là hoàng tử bé nghiêm nghị nói:
"Có sao đâu, chỗ tôi ở bé lắm mà!"
Và, có lẽ là hơi buồn rầu một tí, cậu nói thêm:
"Cứ thẳng trước mặt nó cũng chẳng thể nào đi được xa..."
IV
Như vậy tôi đã biết được một chuyện thứ hai nữa rất quan trọng: đó là hành tình quê hương cậu hầu như chẳng lớn hơn một ngôi nhà!
Điều này chẳng khiến tôi ngạc nhiên mấy. Tôi biết rõ rằng ngoài những hành tinh lớn như Trái Đất, sao Mộc, sao Hỏa, sao Kim, vốn được người ta đặt tên hẳn hoi, còn có hàng trăm hành tinh khác nhỏ tới độ nhiều khi nhòm qua kính viễn vọng ta cũng khó mà nhìn thấy được. Khi một nhà thiên văn học nhìn ra được một hành tinh trong số đó, ông ta bèn đặt tên cho nó bằng một con số. Ông ta sẽ gọi nó, ví dụ như là: "tiểu hành tinh 325".
Tôi có những lý do đích đáng để tin rằng cái hành tinh mà từ đó cậu tới đây chính là tiểu hành tinh B 612. Tiểu hành tinh này mới chỉ được một nhà thiên văn học Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy một lần duy nhất bằng kính viễn vọng vào nâm 1909.
Khi ấy ông ta có một bài thuyết trình hoành tráng về phát hiện của mình tại một hội nghị quốc tế về thiên văn học. Nhưng chẳng có một ai tin bởi vì thứ quần áo mà ông ta mặc. Những người lớn là như vậy đó.
May cho danh tiếng của tiểu hành tinh B 612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt toàn thể dân chúng đổi sang lối ăn mặc của người châu Âu, ai không tuân theo sẽ phải chết. Nhà thiên văn học đã thuyết trình lại vào năm 1920 trong một bộ trang phục rất lịch thiệp. Và lần này tất cả mọi người đều nhất trí với ông ta.
Tôi kể bạn nghe những chi tiết này về tiểu hành tinh B 612, lại nói ra cả số hiệu của nó thì cũng bởi người lớn mà thôi. Người lớn rất thích các con số. Khi bạn kể với họ về một người bạn mới, họ sẽ không bao giờ hỏi bạn điều cốt yếu. Họ sẽ chẳng bao giờ hỏi bạn: "Giọng anh ta nghe thế nào? Anh ta thích chơi trò gì? Anh ta có sưu tầm bươm bướm không?" Mà họ sẽ hỏi:
"Anh ta bao nhiêu tuổi? Anh ta có mấy anh chị em? Anh ta nặng bao nhiêu cân? Bố anh ta thu nhập bao nhiêu?" Chỉ thế thôi họ nghĩ là đã đủ hiểu người ta rồi. Nếu bạn kể với những người lớn: "Tôi nhìn thấy một ngôi nhà đẹp lắm xây bằng gạch đỏ, có hoa phong lữ đặt trên bậu cửa sổ và chim bồ câu đậu trên mái nhà..." thì họ sẽ không tài nào hình dung được ngôi nhà đó. Cần phải bảo họ: "Tôi nhìn thấy một ngôi nhà mười vạn phơ răng."
Thế là họ sẽ thốt lên: "Ôi, đẹp thế!"
Như vậy nếu bạn bảo họ: "Bằng cớ chứng tỏ hoàng tử bé có tồn tại chính là cậu ấy rất vui tươi, cậu ấy cười, và cậu ấy muốn có một con cừu. Khi ta muốn có một con cừu, thì đây chính là bằng cớ chứng tỏ ta tồn tại", họ sẽ nhún vai và coi bạn như con nít! Nhưng nếu bạn bảo họ: "Hành tinh mà từ đó cậu ấy đã đến đây chính là tiểu hành tinh B 612", thì họ sẽ bị thuyết phục và họ sẽ để bạn được yên mà không căn vặn gì hết. Họ là như vậy. Chẳng nên phiền trách họ. Trẻ con cần phải hết sức độ lượng với người lớn.
Nhưng dĩ nhiên, vốn là những kẻ hiểu rõ cuộc đời, chúng ta đâu có coi số má ra gì! Tôi những muốn bắt đầu câu chuyện này theo lối cổ tích. Tôi những muốn kể:
"Ngày xửa ngày xưa có một hoàng tử bé sống trên một hành tinh hầu như chẳng lớn hơn cậu bao nhiêu, và cậu rất cần có một người bạn ..." Đối với những ai am hiểu cuộc đời, như thế có vẻ thật hơn rất nhiều.
Bởi vì tôi chẳng muốn người ta đọc cuốn sách này của tôi một cách hời hợt. Tôi đã phiền muộn biết bao khi kể ra những kỷ niệm này. Đã sáu năm rồi kể từ ngày bạn tôi ra đi cùng với con cừu của cậu ấy. Tôi gắng miêu tả cậu ở đây chính là để khỏi quên cậu. Quên một người bạn thì thật là buồn. Không phải ai cũng có được một người bạn. Và tôi cũng có thể trở nên giống người lớn, không quan tâm gì ngoài các con số. Chính vì lý do đấy nữa mà tôi đã mua một hộp màu và mấy cái bút chì. Ở tầm tuổi tôi, vẽ vời trở lại mới khó làm sao, nhất là khi ta chẳng có thử nghiệm nào khác ngoài bức trăn kín bụng với bức trăn hở bụng thuở lên sáu! Dĩ nhiên là tôi sẽ cố vẽ những bức chân dung sao cho giống được như đúc. Nhưng tôi không chắc có vẽ nổi hay không. Bức này thì đạt, nhưng bức khác lại chẳng giống được nào. Tôi cũng có chút sai lỗi về kích thước. Chỗ này thì hoàng tử bé lớn quá. Nơi kia cậu lại nhỏ quá. Tôi cũng phân vân cả về màu quần áo của cậu. Thế là tôi cứ mò mẫm cách này cách kia, được chăng hay chớ. Sau cùng tôi còn nhằm lẫn cả một số chi tiết quan trọng hơn nữa. Nhưng điều đó thì cần phải bỏ quá cho tôi. Cậu bạn tôi có bao giờ giải thích gì đâu. Chắc là cậu tưởng tôi cũng giống như cậu. Nhưng tôi ấy à, khôn khổ thay, tôi đâu biết cách nhìn cừu xuyên hộp. Có lẽ tôi cũng hơi giống những người lớn. Chắc hẳn tôi đã già rồi.
V
Mỗi ngày tôi lại hiểu thêm được một điều gì đó về hành tinh, về sự ra đi, về cuộc phiêu lưu. Những thứ đó đến rất nhẹ nhàng, tình cờ từ các nhận xét. Chính theo lối ấy mà vào ngày thứ ba, tôi biết được thảm kịch về những cây bao báp.
Lần này nữa cũng là nhờ con cừu, bởi lẽ đột nhiên hoàng tử bé hỏi tôi, như thể dằn vặt bởi một mối nghi ngờ dữ dội:
"Có phải là lũ cừu vẫn ăn cây con không nhỉ?
- Ồ. Đúng vậy.
- Ôi! Tôi thích lắm!"
Tôi không hiểu tại sao việc lũ cừu ăn cây con lại quan trọng đến thế. Nhưng hoàng tử bé đã nói thêm:
"Vậy là chúng ăn cả những cây bao báp nữa?"
Tôi lưu ý hoàng tử bé rằng bao báp không phải là cây con, mà là những cái cây to lớn như những nhà thờ và rằng, kể cả là cậu dẫn hẳn một đàn voi đến đi nữa thì đàn voi ấy cũng không xơi được hết chỉ một cây bao báp.
Ý tưởng về đàn voi khiến hoàng tử bé bật cười:
"Thế thì phải xếp chồng con này lên con kia..."
Nhưng cậu đã nhận xét rất khôn ngoan:
" Trước khi lớn đùng lên thì các cây bao báp ban đầu cũng bé tí tẹo.
- Chính xác lá thế! Nhưng tại sao cậu lại muốn cừu của cậu ăn những cây bao báp bé?"
Cậu đáp lại: "Xời! Thì đấy!", như thể đó là một việc đương nhiên. Và bản thân tôi đã phải động não ghê lắm mới hiểu được vấn đề.
Trên thực tế, nơi hành tinh hoàng tử bé sống, cũng như trên tất cả những hành tinh khác, có cả cây xấu lẫn cây tốt. Thành thử mới có hạt giống thì chẳng nhìn thấy được. Chúng ngủ trong lòng đất bí ẩn cho đến khi bất chợt một trong số chúng hứng khởi muốn tỉnh dậy. Vậy là nó vươn vai và thoạt đầu chỉ rụt rè nhú lên một mầm củ cải hoặc là một mầm hoa hồng thì ta cứ mặc nó mọc thế nào tùy ý. Nhưng nếu đó là một cây xấu thì phải nhổ đi tức khắc, ngay khi nào nhận dạng được nó. Mà hiện thời có những hạt giống kinh khủng trên hành tinh của hoàng tử bé ... đó là các hạt bào báp. Chúng có đầy rẫy trên bề mặt hành tinh. Mà một cây bao báp ấy, nếu như lưu tâm quá muộn, ta sẽ không bao giờ tống cổ nó đi được. Nó bành trướng ra hết cả hành tinh. Nó còn đâm rễ cho thủng luôn hành tinh. Và nếu như hành tinh quá bé còn lũ bao báp lại quá nhiều, chúng sẽ làm nó vỡ vụn.
"Đây là chuyện nề nếp, hoàng tử bé nói với tôi sau đó. Khi vệ sinh buổi sáng cho bản thân mình xong còn phải vệ sinh kỹ lưỡng cho cả hành tinh nữa. Cần phải thường xuyên nhắc nhở bản thân nhổ bao báp ngay khi phân biệt được chúng với hoa hồng, loài mà chúng trông giống y đúc khi vẫn còn là cây con. Đấy là một việc tẻ ngắt, nhưng dễ ợt."
Rồi một hôm cậu khuyên tôi nên chuyên tâm vẽ cho được một bức tranh đẹp, để nó có thể ăn sâu vào đầu óc lũ trẻ ở quê nhà tôi. "Nếu ngày nào đó chúng đi du ngoạn, cậu bảo tôi, nó sẽ trở nên hữu ích với chúng. Đôi khi, dừng công việc lại để sau mới làm cũng chẳng sao. Thế nhưng, nếu là chuyện bao báp thì bao giờ cũng sẽ là thảm họa. Tôi biết một hành tinh, trên đó có một anh lười cư ngụ. Anh ta đã sao nhãng bỏ qua ba cây con ... "
Và theo chỉ dẫn của hoàng tử bé, tôi đã vẽ cái hành tinh ấy. Tôi chẳng mấy khi muốn lên giọng như một nhà luân lý thích dạy bảo. Nhưng mối nguy hiểm từ bao báp thì ít ai biết được, và những nguy cơ mà một kẻ bị lạc trên một tiểu hành tinh vẫn gặp phải thì trùng trùng điệp điệp đến nỗi tôi đành một lần ngoại lệ mà không giữ gìn ý tứ nữa. Tôi xin nói: "Hỡi các em! Hãy cẩn thận với lũ bao báp!" Chính là để cảnh báo các bạn tôi về mối nguy hiểm đã rình rập từ lâu, mà giống như tôi họ cũng chẳng hề hay biết, nên tôi đã cố công biết bao cho bức họa này. Bài học mà tôi giảng cũng đáng một phen vất vả. Các bạn có lẽ sẽ thắc mắc: Tại sao trong cuốn sách này lại không có bức vẽ nào được hoành tráng như bức vẽ mấy cây bao báp? Câu trả lời thật là đơn giản: tôi đã cố đấy nhưng chẳng thể thành công. Còn khi vẽ bức tranh cây bao báp tôi đã bị thôi thúc bởi cảm giác khẩn thiết ở trong lòng.
VI
Ôi! hoàng tử bé, vậy là dần dần tôi đã hiểu được cuộc đời bé bỏng phiền muộn của em. Bấy lâu nay em chỉ có cách giải trí duy nhất là ngắm những cảnh mặt trời lặn êm dịu. Tôi biết được tình tiết mới này vào buổi sáng ngày thứ tư, khi em nói với tôi:
"Tôi thích cảnh mặt trời lặn lắm. Ta đi ngắm một lần mặt trời lặn nào...
- Nhưng phải chờ đã ...
- Chờ gì kia?
- Chờ cho mặt trời lặn."
Em thoạt tiên có vẻ rất ngỡ ngàng, thế rồi em tự cười giễu bản thân. Và em bảo tôi:
"Tôi cứ tưởng là vẫn đang ở nhà!"
Quả vậy. Ai mà chẳng biết là khi vẫn đang giữa trưa ở nước Mỹ thì mặt trời lại đang lặn ở nước Pháp. Và chỉ cần có thể đến Pháp trong vòng một phút là ngắm được mặt trời lặn. Không may là nước Pháp lại ở xa quá. Tuy nhiên, trên hành tinh quá đỗi bé nhỏ của em, thì em chỉ cần dịch ghế lên vài bước. Và lúc nào em muốn em đều ngắm được cảnh hoàng hôn...
"Có một ngày tôi đã ngắm mặt trời lặn bốn mươi bốn lần!"
Và một lúc sau em nói thêm:
"Ông biết đấy ... khi mình buồn quá thì mình sẽ thích ngắm mặt trời lặn...
- Cái ngày bốn mươi bốn lần ngắm ấy, hẳn là cậu phải buồn lắm?"
Nhưng hoàng tử bé không trả lời.
VII
Ngày thứ năm, vẫn là nhờ con cừu mà bí mật về cuộc sống của hoàng tử bé đã hé lộ với tôi. Cậu đột ngột hỏi tôi mà chẳng mào đầu gì hết, như thể là kết quả của một vấn đề đã được nghiền ngẫm âm thầm bấy lâu nay:
"Một con cừu, nếu nó ăn cây con thì nó cũng ăn cả hoa nữa phải không?
- Một con cừu thì sẽ gặp gì ăn nấy.
- Kể cả là hoa có gai ư?
- Phải rồi. Kể cả là hoa có gai.
- Thế thì gai để làm gì mới được chứ?
Tôi đau có biết. Khi ấy tôi đang bận mù lên để cố tháo cho được một cái đinh ốc bị siết quá chặt ở trong động cơ. Tôi lo thắt ruột vì hỏng hóc bắt đầu có vẻ hết sức nghiêm trọng, và nước uống thì đang cạn dần khiến tôi sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.
"Gai để làm gì mới được chứ?"
Hoàng tử bé chẳng bao giờ bỏ dở chừng một câu hỏi một khi cậu đã đặt ra. Tôi đã phát bực lên vì cái đinh ốc nên trả lời bừa:
"Gai ấy à, chẳng để làm gì sất, đây là sự ác ý thuần túy của lũ hoa mà thôi!
- Ồ!"
Thế nhưng sau một hồi im lặng, cậu đã thốt ra, với giọng trách móc:
"Tôi không tin ông đâu! Tụi hoa yếu ớt lắm. Chúng nó ngây thơ mà. Chúng làm đủ cách để bản thân được yên tâm. Chúng tự cho là mình ghê gớm khi có gai ..."
Tôi lặng thinh không đáp. Vào lúc ấy, tôi tự nhủ: "Cái đinh ốc này mà còn trơ ra tiếp, tôi sẽ búa ghè một phát cho nó phải bật lên." Hoàng tử bé lại làm rộn suy nghĩ của tôi một lần nữa:
"Thế ông có nghĩ rằng lũ hoa ...
- Ôi không! Ôi không! Tôi chẳng nghĩ gì hết! Tôi trả lời bừa đấy. Tôi thì đang bận chết đi được vì những chuyện nghiêm túc!"
Cậu sững sờ nhìn tôi.
"Những chuyện nghiêm túc!"
Cậu dòm tôi: một tay cầm búa, các ngón tay thì đen sì dầu mỡ, lại còn đang cắm cúi trước một đồ vật mà với cậu thì quá là xấu xí.
"Ông nói y hệt như những người lớn!"
Câu nói khiến tôi thấy hơi xấu hổ. Nhưng cậu vẫn tàn nhẫn nói tiếp:
"Ông nhầm to ... ông lẫn ráo!"
Cậu bực mình khủng khiếp. Cậu lúc lắc mái tóc vàng óng bồng bềnh theo gió:
"Tôi biết một hành tinh có một ông nọ mặt đỏ dừ. Ông ta không bao giờ ngửi hương một bông hoa. Ông ta không bao giờ ngắm nhìn một ngôi sao. Ông ta chẳng yêu bất cứ một ai. Ông ta không bao giờ làm gì ngoài làm tính cộng. Và suốt ngày ông ta cứ nói mãi giống như ông: 'Tôi bận lắm, toàn những chuyện nghiêm túc!', và điều đó khiến ông ta kiêu hãnh đến mức phình hết cả người lên. Nhưng đấy đâu phải là một con người, mà là một cái nấm!
- Một cái gì kia?
- Một cái nấm!"
Bây giờ thì hoàng tử bé đã tức giận đến tái xanh tái xám.
"Hàng triệu năm nay lũ hoa đã mọc gai rồi. Hàng triệu năm nay bầy cừu dẫu gì cũng vẫn cứ ăn hoa. Vậy tìm hiểu xem tại sao chúng đã mất bao nhiêu công để mọc ra những cái gai không để làm gì như vậy chẳng lẽ không phải là chuyện nghiêm túc? Và chẳng phải cuộc chiến giữa bầy cừu và lũ hoa cũng quan trọng đó sao? Chuyện đó chẳng lẽ không nghiêm túc và quan trọng bằng phép cộng của một tổ béo mặt đỏ? Và nếu như tôi, chính là tôi, quen biết một bông hoa độc nhất trên đời, chẳng có ở nơi nào khác ngoài ở hành tinh của tôi, và nếu như vào một buổi sáng một con cừu con có thể hủy diệt nó bằng một nhát cạp, như thế đấy, mà thậm chí nó còn chẳng nhận thức được nó đang làm gì, thế mà điều đó chẳng quan trọng ư!"
Mặt mũi cậu đỏ gay, rồi cậu nói tiếp:
"Nếu ai đó thương một bông hoa mà bông hoa ấy lại là duy nhất trên cả triệu cả ức những vì sao, thì chỉ cần nhìn ngắm những vì sao thôi đã đủ để người ấy thấy mình hạnh phúc. Người ấy tự nhủ: 'Bông hoa của ta đang ở đâu đó trên kia ...' Nhưng nếu con cừu ăn mất bông hoa thì với người ấy, điều đó khác nào đột nhiên tất cả các vì sao đều tắt ngấm! Thế mà điều đó chẳng quan trọng ư!"
Cậu chẳng thốt thêm được gì nữa. Cậu đột ngột òa khóc nức nở. Đêm đã buông xuống. Tôi thả rơi các đồ lề dụng cụ. Tôi chẳng coi nào búa, nào định ốc, nào cơn khát hay kể cả cái chết là gì nữa. Ở trên một vì sao, một hành tinh, hành tinh của tôi. Trái Đất này, có một hoàng tử bé cần được an ủi! Tôi ôm cậu vào lòng. Tôi vỗ về cậu. Tôi báo cậu: "Bông hoa em thương không gặp nguy hiểm gì đâu... Tôi sẽ vẽ một cái rọ mõm để đeo cho con cừu... Tôi sẽ vẽ một hàng rào để bao quanh bông hoa... Tôi sẽ ..." Tôi chẳng biết nói gì hơn nữa. Tôi thấy mình quá là vụng về. Tôi chẳng biết làm sao để chạm tới em, ở chốn nào thì bắt kịp được em... Huyền bí biết bao là xứ sở của nước mắt!
VIII
Tôi mau chóng được biết rõ hơn về bông hoa ấy. Trên hành tinh của hoàng tử bé, luôn có những bông hoa giản dị nhất mực, chỉ trang điểm bằng một lớp cánh đơn, và không hề chiếm nhiều chỗ, cũng chẳng làm phiền một ai. Một sáng kia chúng xuất hiện trên thảm cỏ, rồi đến sẩm tối thì chúng tàn lụi. Nhưng bông hoa ấy đã nảy mầm vào một ngày nọ, từ một hạt giống được cuốn đến chẳng biết là từ đâu, và hoàng tử bé đã canh chừng thật kỹ cái mầm cây chẳng giống bất cứ mầm nào khác này. Đó có thể là một giống bao báp mới lắm. Nhưng cây con đã ngừng lớn ngay và còn bắt đầu sửa soạn một bông hoa. Hoàng tử bé vốn chứng kiến trọn sự ra đời của một cái nụ to đùng, cảm thấy rõ rằng một hiển hiện diệu kỳ hẳn sẽ phát lộ từ trong ấy, nhưng bông hoa mãi vẫn không xong việc sửa soạn làm đẹp, cứ náu ở trong căn buồng xanh lục của nó. Nó cẩn thận lựa sắc chọn màu. Nó thong thả ướm đồ, nó chỉnh trang từng cánh từng cánh. Nó chẳng muốn ra mắt mà lại nhàu nhĩ như tụi hoa mỹ nhân. Nó chỉ muốn xuất hiện với sắc đẹp trọn vẹn huy hoàng. Phải rồi! Nó rất chi là đỏm dáng! Việc điểm trang huyền bí của nó vì vậy mà kéo dài hết ngày này tới ngày khác. Thế rồi đến một buổi sáng, đúng vào lúc rạng đông, nó đã xuất đầu lộ diện.
Và bông hoa, sau khi đã bỏ bao công điểm tô kỹ càng, còn vừa nói vừa ngáp:
"Ôi! em vừa mới thức dậy xong ... cho em xin lỗi chàng... đầu tóc em vẫn còn rối bù đầy..."
Song hoàng tử bé thì chẳng thể kìm nén được niềm thán phục:
"Ôi! Em mới đẹp làm sao!
- Thật vậy ư, bông hoa dịu dàng đáp. Mà em sinh ra cùng lúc với mặt trời đó..."
Hoàng tử bé đoán ngay được là cô nàng cũng không phải khiêm tốn gì lắm, nhưng sao cô nàng vẫn khiến cậu cảm động đến thế!
"Em nghĩ rằng đã đến giờ ăn sáng rồi đấy, cô nàng nhanh nhẩu nói thêm, chàng có lòng nào nghĩ đến em..."
Và hoàng tử bé, thẹn thùng quá đỗi, chạy đi kiếm một thùng tưới chứa đầy nước mát về phục vụ bông hoa.
Cô nàng nhanh chóng làm khổ cậu với tính phù phiếm pha đôi chút đỏng đảnh của mình như vậy đó. Ví dụ một hôm, khi đang nói về bốn cái gai của mình, cô nàng bảo hoàng tử bé:
"Tụi hổ cứ việc đến đây, kể cả là nhe nanh múa vuốt nhé!
- Không có hổ trên hành tinh của tôi đâu, hoàng tử bé phản đối, với cả lũ hổ không ăn cỏ.
- Em không phải là cỏ, bông hoa dịu dàng trả lời.
- Tôi xin lỗi...
- Em chả ngại gì tụi hổ, nhưng em rất kinh sợ gió lùa. Chàng không có tấm bình phong nào ư?"
"Kinh sợ gió lùa... thế thì thật là không may, với một cái cây, hoàng tử bé nhận định. Bông hoa này rắc rối thật..."
"Tối đến chàng hãy cho em ở trong lồng kính. Chỗ chàng ở lạnh quá. Bất tiện lắm ấy. Nơi trước kia em ở ấy à ..."
Nhưng nói tới đó thì cô nàng ngừng bặt. Cô nàng tới đây trong hình hài một hạt giống. Cô nàng làm sao mà biết được những thế giới khác. Xấu hổ vì để bị bắt quả tang khi toan nói dối ngây ngô, cô nàng ho lên mấy tiếng liền, để hoàng tử bé cảm thấy rõ là phải chịu trách nhiệm:
"Thế còn bình phong?...
- Tôi đang định đi lấy thì em lại nói chuyện!"
Thế là cô nàng càng ho mạnh để cho cậu kiểu gì cũng phải hối hận.
Vậy là mặc dù toàn tâm toàn ý trong tình yêu của mình, hoàng tử bé cũng nhanh chóng đâm ra nghi ngờ có nàng. Cậu đã xem những lời vô thưởng vô phạt kia thật sự là hệ trọng, và cậu đã rất đau khổ.
"Lẽ ra tôi chẳng nên nghe lời cô nàng, một hôm cậu thú nhận với tôi, chẳng bao giờ nên nghe lời những bông hoa làm gì. Chỉ nên ngắm nhìn và hít ngửi hương thơm chúng mà thôi. Bông hoa của tôi tỏa hương khắp cả hành tinh, nhưng tôi lại chẳng biết tận hưởng niềm vui đó. Cái câu chuyện về nanh vuốt kia, đã từng khiến tôi buồn phiền biết bao, đáng lẽ phải làm tôi mủi lòng mới đúng..."
Cậu lại thú nhận tiếp:
"Bấy giờ tôi có biết cách thấu hiểu gì đâu! Đáng lẽ tôi phải xét đoán từ hành động chứ không phải từ lời nói. Cô nàng tỏa hương cho tôi, tỏa sáng cho tôi. Lẽ ra tôi không bao giờ được phép bỏ đi! Lẽ ra tôi phải đoán được tính nết dịu dàng của cô nàng đằng sau những mưu mẹo tội nghiệp kia. Những bông hoa mới bất nhất làm sao! Còn tôi thì quá trẻ để mà biết cách yêu nàng."
IX
Tôi tin rằng cậu đã nhân chuyến di trú của đàn chim trời để làm cuộc trốn chạy. Vào buổi sáng ngày khởi hành, cậu đã sắp dọn hành tinh thật ngăn nắp. Cậu đã nạo vét kỹ lưỡng các núi lửa đang hoạt động. Cậu sở hữu hai núi lửa đang hoạt động. Như thế rất tiện để hâm nóng đồ ăn sáng. Cậu cũng sở hữu một núi lửa đã tắt. Nhưng cậu vẫn bảo: "Ai mà học được chữ ngờ!" Vì thế, cậu cũng nạo vét luôn cả núi lửa đã tắt. Nếu được nạo vét kỹ càng, các núi lửa sẽ cháy đượm, cháy đều, và sẽ không phun trào. Núi lửa phun trào giống như khói lửa từ ống khói vậy. Dĩ nhiên là trên Trái Đất của chúng ta, con người quá đỗi nhỏ con nên không thể nạo vét được các ngọn núi lửa. Chính vì thế chúng mới gây ra cho chúng ta hàng đống phiền hà.
Hoàng tử bé, với một chút phiền muộn, cũng đã nhổ nốt những mầm bao báp cuối cùng. Cậu tưởng mình chẳng bao giờ cần trở về nữa. Thế nhưng tất thảy những việc làm quen thuộc này, vào sáng hôm ấy, đối với cậu lại cực kỳ dịu ngọt. Rồi, khi cậu tưới cho bông hoa một lần cuối, và chuẩn bị che chắn nó dưới lồng kính, cậu bỗng dưng muốn khóc.
"Vĩnh biệt," cậu nói với bông hoa.
Nhưng cô nàng không trả lời.
"Vĩnh biệt," cậu nhắc lại.
Bông hoa bật ho. Nhưng không phải do cảm cúm.
"Em thật ngốc, cuối cùng cô nàng nói với cậu. Em xin lỗi chàng. Hãy cố hạnh phúc nhé."
Cậu ngạc nhiên vì không nghe thấy những lời trách móc. Cậu cứ đứng đó chưng hửng, lồng kính giơ lên ở giữa chừng. Cậu không hiểu được sự êm ái dịu ngọt này.
"Thật đấy, em yêu chàng, bông hoa bảo cậu. Chàng không hay biết gì, là do lỗi ở em. Điều đó cũng chẳng quan trọng gì. Mà chàng thì cũng ngốc nghếch hệt như em. Hãy cố hạnh phúc nhé ... Hãy để cho cái lồng kính được yên. Em không cần nữa đâu.
- Nhưng gió ...
- Em đâu có dễ bị cảm cúm đến như vậy... Không khí mát lành buổi đêm sẽ có ích cho em. Em là một bông hoa kia mà.
- Nhưng các con vật...
- Thì chắc là em cũng phải chịu đựng hai hoặc ba con sâu nếu em muốn làm quen với tụi bướm chứ. Hình như tụi nó đẹp lắm. Nếu không thì ai sẽ đến thăm em? Chàng sẽ ở xa tít tắp. Còn những con vật to xác thì em chẳng sợ gì. Em có gai đây."
Đoạn nàng ngây thơ chìa ra bốn cái gai nhọn. Rồi nói thêm:
"Thôi đừng lần khân nữa, khó chịu lắm. Chàng đã quyết ra đi rồi mà. Hãy đi đi."
Bởi lẽ nàng không muốn cậu nhìn thấy nàng khóc. Đó là một bông hoa rất mực kiêu hãnh...
X
Cậu thấy mình đã tới vùng cửa các tiểu hành tinh 325, 326, 327, 328, 329 và 330. Vì thế cậu bắt đầu viếng thăm những nơi này để tìm kiếm một công việc cũng như để mở mang đầu óc.
Tiểu hành tinh đầu tiên do một ông vua cư ngụ. Vận đồ lông chồn màu đỏ tía, ông vua ngồi trên một cái ngai hết sức giản dị mà vẫn oai vệ.
"Ồ! Kia là một thần dân!", ông vua kêu lên khi nhìn thấy hoàng tử bé. Và hoàng tử bé tự hỏi mình:
"Làm sao ông ấy có thể nhận ra mình được trong khi trước đây ông ấy chưa từng gặp mình?"
Cậu không biết rằng, đối với các ông vua, thế giới rất đỗi đơn giản. Mọi người ai cũng là thần dân.
"Nhà ngươi hãy lại gần đây để trẫm nhìn cho rõ hơn", ông vua nói, tự hào ghê gớm bởi rốt cuộc đã là vua của một ai đấy.
Hoàng tử bé đưa mắt tìm một chỗ để ngồi, nhưng cả hành tinh đã bị cái áo lông chồn lộng lẫy phủ kín mất. Vì thế cậu đành đứng nguyên, và, vì cậu đã rất mệt, cậu ngáp.
"Ngáp trước mặt một bậc quân vương là trái lễ vua tôi, ông vua nói. Trẫm cấm ngươi làm điều đó.
- Tôi không dừng được, hoàng tử bé lúng túng trả lời. Tôi vừa đi một chặng đường dài và tôi chẳng được ngủ...
- Vậy thì, ông vua bảo cậu, trẫm hạ lệnh cho ngươi ngáp. Bao nhiêu năm rồi trẫm không nhìn thấy ai ngáp. Đối với trẫm ngáp là một sự lạ rất đáng tò mò. Nào! ngáp nữa đi. Đây là lệnh trẫm.
- Vậy lại khiến tôi thấy chột dạ... tôi không ngáp được nữa..., hoàng tử bé nói, mặt mũi đỏ dừ.
- Chà! Chà! ông vua đáp lời. Vậy thì trẫm... trẫm hạ lệnh cho ngươi khi thì ngáp khi thì..."
Ông ta hơi lắp bắp và có vẻ phật ý.
Bởi lẽ ông vua căn bản chỉ cốt ở việc quyền uy của mình được tôn trọng. Ông ta không tha thứ cho sự trái lệnh. Đó là một vị quân vương độc đoán. Nhưng bởi ông ta rất tốt bụng nên ông ta chỉ ban ra những mệnh lệnh hợp lý.
"Nếu trẫm hạ lệnh, ông ta nói hùng hồn, nếu như trẫm hạ lệnh cho một vị tướng biến thành một con chim biển, và nếu vị tướng kia bất tuân thượng lệnh, thì đấy không phải là lỗi của vị tướng. Đây là lỗi của trẫm."
"Tôi ngồi được không ạ? hoàng tử bé rụt rè hỏi.
- Trẫm hạ lệnh cho ngươi ngồi", ông vua đáp lời cậu, đoạn oai vệ kéo một vạt áo bào lông chồn lại.
Nhưng hoàng tử bé rất ngạc nhiên. Hành tinh này quá nhỏ. Ông vua có thể trị vì cái gì mới được?
"Tâu bệ hạ, cậu nói với ông ta... tôi xin lỗi được hỏi ngài...
- Trẫm hạ lệnh cho ngươi hỏi, ông vua vội vã nói.
- Tâu bệ hạ... ngài trị vì cái gì ạ?
- Tất cả, ông vua đáp, với một vẻ hồn nhiên tuyệt diệu.
- Tất cả ư?"
Ông vua phác một cử chỉ kín đáo, diễn tả hành tinh của mình, những hành tinh khác cùng các vì sao.
"Tất cả những thứ ấy? hoàng tử bé hỏi.
- Tất cả những thứ ấy...", ông vua đáp.
Bởi lẽ ông ta không chỉ là một quân vương độc đoán, mà còn là một quân vương phổ quát.
"Thế các vì sao có tuân lệnh ngài không?
- Đương nhiên, ông vua nói với cậu. Bọn chúng tuân lệnh ngay ấy chứ. Trẫm không dung thứ cho thói vô kỷ luật."
Một uy quyền như thế khiến hoàng tử bé choáng ngợp. Nếu chính cậu có được cái quyền ấy, cậu hẳn có thể ngắm không phải là bốn mươi bốn, mà là bảy mươi hai, hoặc thậm chí một trăm, hoặc kể cả là hai trăm lần cảnh mặt trời lặn trong cùng một ngày, mà không bao giờ phải dịch ghế đi đâu hết! Và bởi cậu cảm thấy hơi buồn vì nhớ tới hành tinh nhỏ bé bị bỏ lại của mình, cậu mạnh dạn xin ông vua một ân huệ:
"Tôi muốn ngắm một cảnh mặt trời lặn... Xin bệ hạ hãy làm ơn... Hãy ra lệnh cho mặt trời lặn...
- Nếu trẫm hạ lệnh cho một vị tương bay từ đóa hoa này sang đóa khác như một con bướm, hoặc viết một vở kịch, hoặc biến thành chim biển, và nếu vị tướng không thi hành mệnh lệnh ban ra, thì ai là người sai lầm, ông ta hay là trẫm?
- Chính là ngài, hoàng tử bé nói một cách quyết.
- Đúng vậy. Cần phải yêu cầu người ta làm cái điều mà người ta có thể thực hiện được, ông vua nói tiếp. Quyền lực trước tiên dựa vào lẽ phải. Nếu ngươi hạ lệnh cho thần dân của ngươi ra biển trẫm mình, thì họ sẽ làm cách mạng. Trẫm có quyền đòi hỏi phải tuân lệnh là bởi vì các mệnh lệnh trẫm ban ra đều hợp lý.
- Thế cảnh mặt trời lặn của tôi thì sao? hoàng tử bé nhắc lại, cậu vốn là người một khi đã đặt câu hỏi thì chưa bao giờ quên.
- Cảnh mặt trời lặn của ngươi, ngươi sẽ được xem thôi. Trẫm sẽ hạ lệnh. Nhưng, theo thuật trị nước của trẫm, trẫm sẽ đợi cho đến khi các điều kiện được hội đủ.
- Đó là khi nào vậy? hoàng tử bé dò hỏi.
- Hừm! Hừm! ông vua trả lời cậu, và ông ta bắt đầu tra một cuốn lịch đại, hừm! hừm! đó sẽ là, vào... vào... đó sẽ là vào chiều tối nay lúc bảy giờ bốn mươi! Và ngươi sẽ thấy lệnh của trẫm được cung kính tuân theo ra sao."
Hoàng tử bé ngáp. Cậu tiếc cảnh mặt trời lặn bất thành của mình. Thế rồi cậu cảm thấy hơi chán chường.
"Ở đây tôi chẳng có việc gì làm, cậu bảo ông vua. Tôi sẽ lại đi vậy!
- Đừng đi, ông vua rất tự hào vì có một thần dân bèn đáp lời. Đừng đi, trẫm sẽ phong cho khanh làm thượng thư!
- Thượng thư bộ gì?
- Bộ... bộ hình.
- Nhưng làm gì có ai để phán xử!
- Ai mà biết được, ông vua nói với cậu. Trẫm vẫn còn chưa đi hết một vòng vương quốc của trẫm. Trẫm già quá rồi, trẫm cũng chẳng có đủ chỗ để chứa một cỗ xa giá, còn đi bộ thì trẫm quá nhọc.
- Ồ! Nhưng mà tôi đã quan sát rồi, hoàng tử bé nói sau khi cúi người dòm sang phía bên kia hành tinh một lần nữa. Ở phía đằng kia cũng không có ai cả...
- Thế thì khanh cứ phán xử chính bản thân ấy, ông vua đáp lời. Đấy là việc khó nhất. Phán xử chính bản thân mình bao giờ cũng khó hơn nhiều so với phán xử người khác. Nếu khanh phán xử chính bản thân khanh thành công, thì chứng tỏ khanh là một bậc hiền giả.
- Tôi ấy à, hoàng tử bé nói, tôi có thể tự phán xử bản thân ở bất cứ đâu. Tôi chẳng cần phải ở lại đây.
- Hừm! hừm! ông vua nói, trẫm tin chắc rằng ở đâu đó trên hành tinh của trẫm có một con chuột già. Trẫm nghe thấy tiếng nó vào ban đêm. Khanh có thể phán xử con chuột già đó. Thỉnh thoảng khanh kết án tử hình nó. Như thế thì đời nó sẽ phụ thuộc vào hình pháp của khanh. Nhưng sau đó khanh hãy ân xá nó để mà để dành. Cả nước chỉ có mỗi một mống ấy thôi.
- Tôi ấy à, hoàng tử bé trả lời, tôi chẳng muốn kết án tử hình, và tôi chắc là tôi phải đi rồi.
- Không được," ông vua nói.
Nhưng hoàng tử bé, giờ đây đã nai nịt gọn gàng để ra đi, không muốn làm vị quân vương già phải buồn phiền:
"Nếu Hoàng thượng muốn lệnh của mình được nhất nhất tuân theo. Người có thể ban cho thần một mệnh lệnh hợp lý. Ví dụ như Người có thể ra lệnh cho thần chưa đầy một phút nữa phải ra đi. Vì thần thấy các điều kiện đã hội đủ..."
Ông vua chẳng đáp lại một lời, hoàng tử bé thoạt đầu ngần ngại, rồi cậu thở dài, và khởi hành.
"Trẫm phong khanh làm sứ giả của trẫm", ông vua bèn vội vàng kêu lên.
Ông ta lại toát ra một vẻ oai phong lẫm liệt.
"Nhưng người lớn quá đỗi là lạ lùng," hoàng tử bé thầm nhủ trong lòng, đồng thời vẫn mải mốt lên đường.
XI
Hành tinh thứ hai có một ông hợm hĩnh cư trú. "Ôi! Ôi! Một kẻ hâm mộ kia rồi!" ông hợm hĩnh kêu lên từ xa ngay khi nhìn thấy hoàng tử bé. Bởi lẽ, đối với những kẻ hợm hĩnh, mọi người khác đều là người hâm mộ.
"Xin chào, hoàng tử bé nói. Ông có một cái mũ thật kỳ khôi.
- Đó là để chào, ông hợm hĩnh trả lời cậu. Đó là để chào khi có người hoan hô ta. Đáng tiếc là chưa bao giờ có ai đi qua đây.
- Vậy sao? hoàng tử bé hỏi lại mà chẳng hiểu gì.
- Cậu vỗ hai tay vào nhau đi, " ông hợm hĩnh bèn khuyên. Hoàng tử bé vỗ tay này vào tay kia. Ông hợm hĩnh liền huơ cái mũ của ông ta lên chào một cách khiêm nhường.
"Trò này vui hơn là chuyến thăm ông vua", hoàng tử bé thầm nhủ trong lòng. Và cậu lại bắt đầu vỗ tay này vào tay kia. Ông hợm hĩnh lại bắt vừa chào vừa huơ mũ lên.
Sau năm phút thực hành hoàng tử bé cảm thấy mệt vì sự nhàm chán của trò này:
"Thế muốn cho mũ rơi xuống, cậu hỏi, thì phải làm gì đây?"
Nhưng ông hợm hĩnh đâu có nghe cậu nói. Nhưng người hợm hĩnh chẳng bao giờ nghe gì khác ngoài lời khen.
"Có phải cậu hâm mộ ta lắm hả? ông ta hỏi hoàng tử bé.
- 'Hâm mộ' nghĩa là gì vậy?
- 'Hâm mộ' nghĩa là công nhận ta chính là người xinh trai nhất, mặc đồ đẹp nhất, giàu có nhất và thông minh nhất trên hành tinh này.
- Nhưng có mỗi mình ông trên hành tinh này mà!
- Hãy làm ta vừa lòng. Dẫu sao cứ hâm mộ ta đi!
- Tôi hâm mộ ông, hoàng tử bé vừa nói vừa hơi nhún vai, nhưng việc đó có gì mà khiến ông thích thú thế?
Rồi hoàng tử bé bỏ đi.
"Những người lớn đúng là buồn cười thật", cậu cứ tự nhủ đơn giản như vậy trong cuộc hành trình.
XII
Hành tinh tiếp theo có một ông nát rượu ở. Cuộc viếng thăm này rất ngắn ngủi nhưng nó lại nhận chìm hoàng tử bé trong một nỗi sầu muộn khó tả:
"Ông đang làm gì ở đó vậy? cậu hỏi ông nát rượu, người mà cậu thấy đang ngồi im lìm trước một đống chai rỗng và một đống chai đầy.
- Ta đang uống, ông nát rượu đáp với vẻ sầu thảm.
- Tại sao ông uống? hoàng tử bé hỏi.
- Ta uống để quên đi, ông nát rượu đáp.
- Để quên đi cái gì? hoàng tử bé hỏi mà trong lòng đã cảm thấy thương xót ông ta.
- Để quên đi rằng ta rất xấu hổ, ông nát rượu cúi đầu thú nhận.
- Xấu hổ vì điều gì? hoàng tử bé hỏi dò, cậu vẫn muốn giúp ông ta.
- Xấu hổ vì uống!" ông nát rượu dứt lời, đoạn khư khư thu mình trong im lặng.
Và hoàng tử bé bối rối bỏ đi.
"Những người lớn đúng là buồn cười quá thể", cậu cứ nhủ thầm trong suốt chuyến viễn du.
XIII
Hành tinh thứ tư là của một nhà buôn. Người này bận đến nỗi khi hoàng tử bé đến ông ta thậm chí còn chẳng buồn ngẩng đầu lên.
"Xin chào, cậu nói với ông ta. Thuốc lá của ông tắt rồi kìa.
- Ba cộng hai bằng năm. Năm cộng bảy mười hai. Mười hai cộng ba mười lăm. Xin chào. Mười lăm cộng bảy hai hai. Hai hai cộng sáu hai tám. Chả có thời gian để châm lại nữa. Hai sáu cộng năm ba mốt. Úi chà! Vị chi sẽ là năm trăm lẻ một triệu sáu trăm hai hai nghìn bảy trăm ba mốt.
- Năm trăm triệu cái gì cơ?
- Hả? Cậu vẫn còn ở đó à? Năm trăm triệu cái... ta chẳng rõ nữa... Ta nhiều việc quá đi mất! Ta là người rất nghiêm túc, ta không ưa gì những chuyện tầm phào. Hai cộng năm bằng bảy...
- Năm trăm triệu cái gì cơ?" hoàng tử bé nhắc lại, đời cậu chưa bao giờ bỏ lửng một câu hỏi nào một khi đã đặt ra.
Ông nhà buôn ngẩng lên:
"Suốt năm mươi tư năm ta sống ở hành tinh này, ta mới bị làm phiền có ba lần. Lần đầu tiên cách đây hai mươi hai năm, bởi một con bọ măng có Chúa mới biết từ đâu rơi xuống. Nó gây ra tiếng động kinh khủng khiếp, và ta đã phạm phải bốn lỗi trong một phép cộng. Lần thứ hai là cách đây mười một năm, thì ta bị một trận thấp khớp. Do ta thiếu vận động. Ta chẳng có thời gian để mà đi dạo nữa. Ta ấy à, là người rất nghiêm túc. Lần thứ ba... chính là lần này! Đang lúc ta nói năm trăm lẻ một triệu...
- Triệu cái gì cơ?
Nhà buôn hiểu rằng ông ta sẽ không dễ gì mà được yên thân:
"Triệu những thứ nhỏ tí xíu mà thỉnh thoảng người ta thấy ở trên trời.
- Ruồi à?
- Không phải, những thứ nhỏ xíu tỏa sáng.
- Ong à?
- Không phải. Những thứ nhỏ xíu vàng rực vẫn làm cho bọn ăn không ngồi rồi mơ mộng hão huyền ấy. Nhưng ta thì rất nghiêm túc! Ta chẳng có thời gian mà mơ mộng hão huyền.
- À! các vì sao?
- Phải rồi. Các vì sao!
- Thế ông làm gì với năm triệu vì sao?
- Năm trăm lẻ một triệu sáu trăm hai hai nghìn bảy trăm ba mốt. Ta là người nghiêm túc, và ta luôn thích chính xác.
- Thế ông làm gì với số sao này?
- Ta làm gì ư?
- Vâng.
- Không làm gì cả. Ta sở hữu chúng thôi.
- Ông sở hữu các vì sao?
- Phải.
- Nhưng tôi đã gặp một ông vua mà...
- Các ông vua không sở hữu. Họ chỉ 'trị vì' thôi. Hai chuyện khác hẳn nhau.
- Vậy ông sở hữu các vì sao để làm gì?
- Để cho ta giàu có.
- Thế ông giàu có để làm gì?
- Để mua những sao khác, nếu có ai đó phát hiện ra thêm."
"Cái ông này, hoàng tử bé thầm nhủ trong lòng, ông ta lý luận hơi giống cái ông say rượu kia."
Song le, cậu vẫn còn một số câu hỏi nữa:
"Làm thế nào người ta có thể sở hữu được các vì sao?
- Vậy chúng thuộc về ai? ông nhà buôn cáu kỉnh độp lại.
- Tôi không biết. Chẳng ai cả.
- Thế thì chúng thuộc về ta, bởi ta là người đầu tiên tính đến chuyện đó.
- Vậy mà đã đủ sao?
- Dĩ nhiên. Khi cậu tìm thấy một viên kim cương không thuộc về ai cả thì nó là của cậu. Khi cậu phát hiện ra một hòn đảo không thuộc về ai cả thì nó là của cậu. Khi cậu nảy ra một ý tưởng trước tất cả những người khác, cậu đăng ký bản quyền luôn: và nó là của cậu. Còn tôi thì sở hữu các vì sao là bởi vì chưa có ai trước tôi nghĩ đến việc sở hữu chúng.
- Cái đó thì đúng, hoàng tử bé nói. Thế ông làm gì với chúng mới được?
- Ta quản lý chúng. Ta đếm đi rồi đếm lại chúng, nhà buôn nói. Việc đó rất phức tạp. Nhưng ta là một con người nghiêm túc!"
Hoàng tử bé vẫn chưa thấy thỏa mãn.
"Còn tôi, nếu tôi sở hữu một cái khăn, tôi có thể quàng nó quanh cổ và mang nó theo. Và nếu tôi sở hữu một bông hoa, tôi có thể hái bông hoa và đem nó đi. Nhưng ông thì không thể nào hái được các vì sao!
- Đúng thế thật, nhưng ta có thể gửi chúng vào ngân hàng.
- Điều đó có nghĩa là sao?
- Điều đó có nghĩa là ta viết trên một mảnh giấy số lượng các vì sao của ta. Sau đó ta cất tờ giấy ấy vào trong một ngăn kéo rồi khóa lại bằng chìa.
- Tất cả chỉ có thế?
- Vậy là đủ!"
"Hay thật ấy, hoàng tử bé nghĩ. Như thế khá là thi vị. Nhưng mà không được nghiêm túc lắm!"
Về những việc nghiêm túc thì hoàng từ bé lại có những ý tưởng khác hẳn ý tưởng của những nhười lớn.
"Còn tôi, cậu nói tiếp, tôi sở hữu một bông hoa mà ngày nào tôi cũng tưới. Tôi sở hữu ba quả núi lửa mà tuần nào tôi cũng nạo vét. Bởi vì tôi nạo vét cả quả núi đã tắt. Ai mà học được chữ ngờ chứ. Mấy ngọn núi lửa của tôi được lợi, và bông hoa của tôi được lợi, chính là nhờ có tôi sở hữu chúng. Nhưng ông thì chẳng có ích lợi gì cho các vì sao..."
Ông nhà buôn há hốc mồm chẳng thốt ra được câu nào, và hoàng tử bé bỏ đi.
"Những người lớn đúng thật là cực kỳ khác thường", cậu tự nhủ trong lòng khi tiếp tục lên đường.
XIV
Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức. Đó là hành tinh bé nhất trong tất cả. Nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn. Hoàng tử bé không sao hiểu được tác dụng của một cột đèn đường và một người thắp đèn trên một hành tinh không có nhà cửa và cũng chẳng có dân cư ở đâu đó trên bầu trời. Song le, cậu vẫn thầm nhủ trong lòng: "Có thể là người này rất kỳ quặc. Nhưng ông ta không kỳ quặc bằng ông nát rượu. Bởi ít ra công việc của ông ấy còn có một ý nghĩa nào đó. Khi ông ấy thắp đèn lên thì cũng như thể là ông ấy khai sinh thêm một vì sao, hoặc một bông hoa. Khi ông ấy tắt đèn đi thì đó là để bông hoa hoặc vì sao đi ngủ. Đây là một công việc rất chi đẹp đẽ. Và vì việc đó đẹp đẽ nên cũng rất mực có ích."
Ghé vào hành tinh, cậu lễ phép chào người thắp đèn:
"Xin chào. Tại sao ông lại tắt đèn đi vậy?
- Đó là mệnh lệnh mà, người thắp đèn đáp. Chào buổi sáng.
- Mệnh lệnh gì thế?
- Là tắt đèn đi. Chào buổi tối."
Rồi ông ta lại bật đèn lên.
"Nhưng tại sao ông lại vừa bật đèn lên?
- Đó là mệnh lệnh mà, người thắp đèn đáp.
- Tôi không hiểu, hoàng tử bé nói.
- Có gì để mà hiểu đâu, người thắp đèn nói. Mệnh lệnh thì là mệnh lệnh thôi. Chào buổi sáng."
Và ông ta tắt đèn đi.
Thế rồi ông ta lau trán bằng một cái khăn mùi soa kẻ ca rô màu đỏ.
"Tôi làm cái nghề này cực nhọc quá. Trước kia còn đỡ. Buổi sáng tôi tắt còn buổi chiều thì tôi bật. Còn lại, ban ngày rảnh thì tôi nghỉ và ban đêm rảnh thì tôi ngủ...
- Thế kể từ thời đó, mệnh lệnh đã thay đổi ư?
- Mệnh lệnh không hề thay đổi, người thắp đèn nói. Thế mới là bi kịch chứ! Hành tinh thì cứ quay mỗi năm một nhanh hơn, thế mà mệnh lệnh lại không hề thay đổi!"
- Vậy thì sao? hoàng tử bé hỏi.
- Vậy thì như bây giờ đây nó quay một vòng trong một phút, và tôi chẳng có nổi một giây nghỉ ngơi. Tôi bật rồi tôi tắt mỗi phút một lần!
- Hay quá đi mất! Ngày ở chỗ ông kéo dài đúng có một phút!
- Chẳng có gì hay ho cả, người thắp đèn nói. Tôi với cậu đã trò chuyện với nhau được một tháng rồi đó.
- Một tháng ư?
- Phải. Ba mươi phút. Ba mươi ngày! Chào buổi tối!"
Và ông ta thắp đèn lên.
Hoàng tử bé nhìn ông ta và cậu thấy yêu mến người thắp đèn rất đỗi trung thành với mệnh lệnh này. Cậu nhớ lại những buổi mặt trời lặn mà trước kia cậu kiếm tìm bằng cách xê dịch ghế tựa. Cậu muốn giúp người bạn của mình:
"Ông biết không... tôi biết một cách để ông có thể nghỉ ngơi bất cứ khi nào ông muốn...
- Tôi lúc nào cũng muốn", người thắp đèn đáp.
Bởi lẽ người ta có thể trung thành và lười trong cùng một lúc.
Hoàng tử bé tiếp tục:
"Hành tinh của ông bé đến nỗi ông chỉ đi ba bước đã được một vòng xung quanh nó. Ông chỉ việc bước đi chầm chậm để lúc nào cũng ở dưới ánh mặt trời. Khi ông muốn nghỉ thì ông cứ bước đi thôi... và ông muốn ngày dài bao lâu thì nó sẽ dài chừng ấy.
- Như thế cũng chẳng tốt hơn được bao nhiêu, người thắp đèn nói. Đời tôi chỉ thích được ngủ thôi.
- Thế thì thật xúi quẩy, hoàng tử bé nói.
- Thì là xúi quẩy mà, người thắp đèn nói. Chào buổi sáng."
Và ông ta tắt đèn đi.
"Cái ông đó, hoàng tử bé tự nhủ trong khi tiếp tục dấn bước viễn du, cái ông đó hẳn sẽ bị coi khinh trong mắt tất cả những người khác, nào là ông vua, nào là ông hợm hĩnh, nào là ông nát rượu, nào là ông nhà buôn. Thế nhưng với mình thì chỉ có ông ấy mới không lố bịch. Điều đó hẳn là bởi ông ấy lo nghĩ cho một điều gì khác ngoài bản thân mình."
Cậu thở dài tiếc nuối và vẫn tự nhủ:
"Ông ấy là người duy nhất đáng để cho mình kết bạn. Nhưng hành tinh của ông ấy nhỏ quá đi mất. Chẳng đủ chỗ cho hai người..."
Điều mà hoàng tử bé không dám thú nhận, đó là cậu thấy tiếc cái hành tinh ơn phước này chủ yếu là vì một nghìn bốn trăm bốn mươi lần mặt trời lặn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ!
XV
Hành tinh thứ sáu là một hành tinh rộng gấp mười lần. Sống trên đó là một ông già viết ra những cuốn sách to đùng.
"Ô kìa! Một nhà thám hiểm kia rồi!" ông ta reo lên khi nhìn thấy hoàng tử bé.
Hoàng tử bé ngồi xuống cái bàn và thở hổn hển một lúc. Cậu đã bốn ba bao nhiều là dặm trường!
"Cậu từ đâu tới? ông già bảo cậu.
- Quyển sách to bự này là sách gì vậy? hoàng tử bé nói. Ông làm gì ở đây thế?
- Ta là nhà địa lý, ông già nói.
- Nhà địa lý là gì vậy?
- Đó là một học giả biết được biển, sông ngòi, thành phố, núi non và sa mạc ở chỗ nào.
- Cái đó hay nhỉ, hoàng tử bé nói. Rốt cuộc như vậy mới gọi là nghề chứ!" Và cậu đưa mắt nhìn khắp hành tinh của nhà địa lý. Cậu chưa từng thấy một hành tinh hùng vĩ như thế bao giờ.
"Hành tinh của ông đẹp thật đấy. Thế nó có biển không?
- Ta làm sao mà biết được, nhà địa lý nói.
- Ôi! (Hoàng tử bé thất vọng.) Thế còn núi thì sao?
- Ta làm sao mà biết được? nhà địa lý nói.
- Thế còn các thành phố và sông ngòi và sa mạc?
- Ta cũng không làm sao mà biết được, nhà địa lý nói.
- Nhưng ông là nhà địa lý cơ mà!
- Đúng vậy, nhà địa lý nói, nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Ta hoàn toàn thiếu các nhà thám hiểm. Còn nhà địa lý thì có bao giờ lại đi đếm chác thành phố, sông ngòi, núi non, biển cả, đại dương với sa mạc. Nhà địa lý là người quan trọng nên không đi rong làm gì. Ông ấy không rời bàn giấy của mình được. Mà ông ấy tiếp đón các nhà thám hiểm. Ông ấy hỏi han bọn họ, rồi ông ấy ghi chép hồi ức của bọn họ. Và nếu thấy hồi ức của ai trong số bọn họ có ích thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về tư cách của nhà thám hiểm.
- Tại sao lại thế?
- Bởi vì một nhà thám hiểm dối trá sẽ gây ra thảm họa cho sách vở của nhà địa lý. Và cả nhà thám hiểm nào rượu chè quá độ cũng vậy.
- Tại sao lại thế? hoàng tử bé hỏi.
- Bởi vì những anh say xỉn toàn nhìn một hóa hai. Như thế thì nhà địa lý sẽ ghi hai quả núi ở cái nơi chỉ có mỗi một quả.
- Tôi biết một ông, hoàng tử bé nói, ông ấy hẳn sẽ là một nhà thám hiểm rất tệ.
- Có thể lắm. Cho nên, khi tư cách nhà thám hiểm có vẻ đã tốt rồi, nhà địa lý sẽ điều tra tiếp về khám phá của y.
- Ông ấy sẽ đi xem chứ?
- Không. Như thế lại quá phức tạp. Mà ông ấy sẽ yêu cầu nhà thám hiểm phải cung cấp các bằng chứng. Ví dụ nếu đó là phát hiện một ngọn núi lớn, ông ấy sẽ yêu cầu y phải mang tới những tảng đá to."
Nhà địa lý đột nhiên xúc động.
"Ồ cậu đến đây từ xa lắc xa lơ kia mà! Cậu chính là nhà thám hiểm! Cậu tả ngay cho ta biết hành tinh của cậu đi!"
Vậy là nhà địa lý bèn mở sổ ghi chép và gọt bút chì. Tường thuật của các nhà thám hiểm thoạt tiên chỉ được chép bằng bút chì thôi. Phải đợi dến khi nhà thám hiểm cung cấp đủ bằng chứng thì mới được ghi bằng mực.
"Thế nào? nhà địa lý hỏi.
- Ồ! ở chỗ tôi, hoàng tử bé nói, cũng chẳng được hay lắm, nơi đó rất chi là bé. Tôi có ba núi lửa. Hai núi lửa đang hoạt động và một núi lửa đã tắt. Nhưng ai mà học được chữ ngờ.
- Ai mà học được chữ ngờ! nhà địa lý nói.
- Tôi còn có một bông hoa.
- Chúng ta không ghi chép về hoa đâu, nhà địa lý nói.
- Sao lại thế được! đó là thứ đẹp nhất đấy!
- Bởi vì hoa là thứ phù du.
- 'Phù du' có nghĩa là gì vậy?
- Sách địa lý, nhà địa lý nói, là loại sách nghiêm túc hơn tất thảy mọi loại sách vở. Chúng chẳng bao giờ lỗi thời. Hiếm có khi nào một quả núi lại chuyển chỗ. Hiếm có khi nào một đại dương lại cạn nước. Chúng ta ghi chép những sự vật vĩnh cữu.
- Nhưng núi lửa tắt có thể sẽ phun lại, hoàng tử bé ngắt lời. 'Phù du' có ngĩa là gì vậy?
- Núi lửa tắt hay là phun lại với chúng ta cũng đều như nhau cả, nhà địa lý nói. Điều quan trọng với chúng ta là bản thân quả núi kia. Nó chẳng hề thay đổi.
- Nhưng 'phù du' có nghĩa là gì vậy? hoàng tử bé nhắc lại, cả đời hoàng tử bé một khi đã đặt ra câu hỏi thì chưa bao giờ bỏ dở.
- Điều đó có nghĩa là 'có nguy cơ sắp biến mất'.
- Bông hoa của tôi có nguy cơ sắp biến mất?
- Dĩ nhiên."
"Bông hoa của mình là phù du, hoàng tử bé tự nhủ, và nó chỉ có bốn cái gai để tự vệ trước cả thế gian. Thế mà mình đã bỏ mặc nó một mình ở nhà!"
Cơn hối tiếc đầu tiên của cậu dâng trào như vậy đó. Nhưng cậu đã lấy lại can đảm:
"Thế ông khuyên tôi nên đến đâu để tham quan? cậu hỏi.
- Hành tinh Trái Đất, nhà địa lý trả lời cậu. Nó nổi tiếng lắm..."
Và hoàng tử bé bỏ đi, mà lòng thì nghĩ mãi về bông hoa của mình.
XVI
Vì vậy hành tinh thứ bảy chính là Trái Đất.
Trái Đất đâu phải là một hành tinh nào tầm thường! Ở đây có những một trăm mười một ông vua (dĩ nhiên là gồm cả các ông vua người da đen), bảy nghìn nhà địa lý, chín trăm nghìn nhà buôn, bảy triệu rưỡi ông nát rượu, ba trăm mười một triệu ông hợm hĩnh, có nghĩa là khoảng hai tỉ người lớn. Để giúp bạn hình dung về kích thước của Trái Đất, tôi xin nói với các bạn rằng trước khi phát minh ra điện, người ta đã phải duy trì một đội quân hoành tráng gồm bốn trăm sáu mươi hai nghìn năm trăm mười một người thắp đèn đường trên tổng cộng sáu châu lục.
Nhìn từ xa một chút thì đó sẽ là một cảnh tượng tráng lệ. Vận hành của đội quân này được điều chỉnh như cách vào ra của các toán vũ công ba lê trong một vở nhạc kịch. Đầu tiên là tiết mục của những người thắp đèn Niu Di Lân và Úc. Rồi những người này, sau khi đèn đã thắp lên, liền đi ngủ. Bấy giờ đến lượt những người thắp đèn Trung Hoa và Xibêri tham dự vào vũ điệu. Sau đó họ là rút vào cánh gà. Và rồi đến phiên những người thắp đèn nước Nga và Ấn Độ. Rồi tới những người thắp đèn ở châu Phi và châu Âu. Rồi tới những người ở Nam Mỹ. Rồi tới những người ở Bắc Mỹ. Và bọn họ cứ tham gia vào vở kịch mà chẳng bao giờ nhầm lẫn thứ tự. Thế mới cừ!
Duy chỉ có người thắp ngọn đèn độc nhất ở Bắc Cực và vị đồng nghiệp chăm sóc ngọn đèn độc nhất ở Nam Cực của ông ta là sống một đời nhàn rỗi và uể oải: bọn họ làm việc có hai lần một năm.
XVII
Khi người ta muốn tỏ ra hóm hỉnh, người ta cứ hay nói quá lên một tí. Tôi đã không hoàn toàn trung thực khi nói với các bạn về những người thắp đèn. Dễ thường tôi đã gieo một ý niệm sai lầm về hành tình của chúng ta cho những ai không hiểu rõ về nó. Con người ta chiếm chẳng được bao nhiêu chỗ trên Trái Đất. Nếu hai tỉ người sinh sống trên Trái Đất cứ đứng hơi sát nhau một chút, như trong một buổi mít tinh, họ sẽ dễ dàng lọt thỏm trong một quảng trường chừng hai mươi dặm chiều dài và hai mươi dặm chiều rộng. Ta có thể lèn cả nhân loại vào một hòn đảo bé tí bé tẹo trên Thái Bình Dương.
Những người lớn đâu có tin các bạn, dĩ nhiên là thế rồi. Họ tưởng bản thân mình chiếm nhiều chỗ lắm. Họ tự cho mình to tát như những cây bao báp. Bởi thế các bạn hãy khuyên họ làm tính đi. Bọn họ rất thích các con số: chúng sẽ làm họ mãn nguyện. Nhưng các bạn thì chớ mất thời gian vào cái việc chán ngấy đó. Chả để làm gì đâu. Các bạn cứ tin tôi.
Vì thế, lúc hạ xuống mặt đất, hoàng tử bé rất ngạc nhiên khi chẳng nhìn thấy ai. Cậu đang lo mình đến nhầm hành tinh thì một cái vòng màu ánh trăng chuyển động trên cát.
"Chào buổi tối, hoàng tử bé nói liều.
- Chào buổi tối, con rắn nói.
- Tôi rơi xuống hành tinh nào đây? hoàng tử bé hỏi.
- Xuống Trái Đất, tại Châu Phi, con rắn trả lời.
- Ôi!... Thế thì trên Trái Đất không có người nào ở sa mạc cả. Trái Đất rộng lắm", con rắn nói.
Hoàng tử bé ngồi xuống một hòn đá và ngước mắt nhìn lên trời:
"Tôi tự hỏi, cậu nói, phải chăng các vì sao được tỏa sáng là để một ngày kia ai nấy đều có thể tìm lại được ngôi sao của chính mình. Hãy ngắm hành tinh của tôi. Nó ở ngay trên đầu chúng ta... Nhưng nó mới xa vời làm sao!
- Nó đẹp đấy, con rắn nói. Thế cậu tới đây làm gì?
- Tôi gặp rắc rối với một bông hoa, hoàng tử bé nói.
- À!" con rắn nói.
Và bọn họ im lặng.
"Con người ở đâu cả vậy? hoàng tử bé sau rốt lại nói tiếp, ở trong sa mạc cứ cô đơn thế nào ấy...
- Ở cùng con người thì cũng vẫn cô đơn thôi", con rắn nói.
Hoàng tử bé ngắm nhìn nó hồi lâu:
"Ấy là con vật kỳ khôi quá đi, cuối cùng cậu bảo nó, cứ mỏng mảnh hệt như một ngón tay...
- Nhưng tôi còn mạnh hơn cả ngón tay vua đấy", con rắn nói.
Hoàng tử bé mỉm cười:
"Ấy chẳng mạnh lắm đâu... ấy còn không có chân nữa... ấy cũng chẳng đi chu du được...
- Tôi có thể đem cậu đi xa hơn bất cứ con tàu nào", con rắn nói.
Nó cuộn tròn thân mình quanh mắt cá chân hoàng tử bé, hệt một cái vòng vàng:
"Kẻ nào tôi động đến, tôi sẽ đưa kẻ ấy trở về với đất nơi mà hắn được lấy ra, nó nói thêm. Nhưng cậu thì thanh khiết và cậu đến từ một vì sao..."
Hoàng tử bé chẳng đáp lời.
"Cậu làm tôi thấy thương tình, cậu mới yếu ớt làm sao trên Trái Đất bằng đá hoa cương này. Tôi có thể giúp cậu nếu một ngày kia cậu quá nhớ tiếc hành tinh của cậu. Tôi có thể...
- Ồ! Tớ rất hiểu, hoàng tử bé nói, nhưng sao ấy lúc nào cũng nói toàn những lời bí hiểm?
- Tôi hiểu thông hết mà", con rắn nói.
Và bọn họ im lặng.
XVIII
Hoàng tử bé băng qua sa mạc và chỉ gặp một bông hoa. Một bông hoa ba cánh, một bông hoa tầm thường lãng nhách...
"Xin chào, hoàng tử bé nói.
- Xin chào, bông hoa nói.
- Con người ở đâu nhỉ?" hoàng tử bé lịch sự hỏi.
Bông hoa một ngày nọ đã từng nhìn thấy một đoàn người.
"Con người ư? Chúng có chừng sáu hoặc bảy đứa cả thảy, tôi nghĩ thế. Tôi thấy chúng cách đây phải hàng năm rồi. Nhưng ai biết được chúng ở đâu mà tìm. Gió cuốn chúng đi suốt. Chúng chẳng có rễ và điều đó làm chúng đến khổ.
- Vĩnh biệt, hoàng tử bé nói.
- Vĩnh biệt", bông hoa nói.
XIX
Hoàng tử bé trèo lên một ngọn núi cao. Những ngọn núi duy nhất mà cậu từng biết chính là ba quả núi lửa cao đến đầu gối cậu. Và cậu sử dụng quả núi lửa đã tắt như một cái ghế đẩu. "Từ trên một ngọn núi cao như ngọn này, cậu tự nhủ, mình chỉ cần liếc một cái là thấy được trọn hành tinh và tất cả mọi người..." Song cậu chỉ nhìn thấy những chỏm đá nhọn hoắt.
"Xin chào, cậu nói đại.
- Xin chào... Xin chào... Xin chào..., tiếng vọng đáp lại.
- Ai đấy? hoàng tử bé hỏi.
- Ai đấy... ai đấy... ai đấy..., tiếng vọng đáp lại.
- Làm bạn với tôi nhé, tôi rất cô độc, cậu nói.
- Tôi rất cô độc... tôi rất cô độc... tôi rất cô độc...", tiếng vọng đáp lại.
"Hành tinh gì mà kỳ quặc! cậu bèn nghĩ. Đã khó khốc lại còn vừa nhọn hoắt vừa sỗ sàng. Còn con người thì thiếu trí tưởng tượng. Họ chỉ biết lặp lại điều mà người ta vừa nói dứt lời... Bông hoa ở nhà mình ấy à: cô nàng bao giờ cũng lên tiếng trước..."
XX
Song le, sau bao ngày đi bộ băng qua cát, đá và tuyết, rốt cuộc cậu đã phát hiện ra một con đường. Và mọi con đường thì đều dẫn đến chỗ người ở.
"Xin chào", cậu nói.
Đây là một khu vườn đầy hoa hồng.
"Xin chào", các bông hồng nói.
Hoàng tử bé ngắm nhìn chúng. Tất cả bọn đều giống bông hoa của cậu.
"Các bạn là ai vậy? cậu sững sờ cất tiếng hỏi.
- Chúng em là những bông hồng, các bông hồng nói.
- À!" hoàng tử bé nói...
Và cậu cảm thấy thật đáng thương. Bông hoa của cậu kể cho cậu nghe rằng cả loài chỉ có duy nhất mình nó trong vũ trụ. Thế mà ở đây thì có đến năm nghìn bông, giống hệt nhau, chỉ trong một khu vườn!
"Cô nàng sẽ chạnh lòng lắm, cậu tự nhủ, nếu cô nàng chứng kiến cảnh này... cô nàng sẽ ho rũ rượi và giả vờ như sắp chết đến nơi để không bị quê. Và mình bắt buộc sẽ phải giả vờ săn sóc cho cô nàng, bởi vì nếu không, nhằm hạ nhục cả mình nữa, cô nàng để mặc bản thân chết thật chứ chẳng chơi..."
Rồi cậu tự nhủ tiếp: "Mình cứ tưởng mình giàu có với một bông hoa độc nhất vô nhị, thế mà mình chỉ sở hữu một bông hồng bình thường. Một bông ấy cùng ba quả núi lửa cao đến đầu gối mình nữa, mà một trong số đó có lẽ đã tắt vĩnh viễn rồi, cái đó chẳng khiến mình trở thành một hoàng tử lớn nào hết..." Rồi cậu nằm phục xuống cỏ và khóc.
Rồi cậu tự nhủ tiếp: "Mình cứ tưởng mình giàu có với một bông hoa độc nhất vô nhị, thế mà mình chỉ sở hữu một bông hồng bình thường. Một bông ấy cùng ba quả núi lửa cao đến đầu gối mình nữa, mà một trong số đó có lẽ đã tắt vĩnh viễn rồi, cái đó chẳng khiến mình trở thành một hoàng tử lớn nào hết..." Rồi cậu nằm phục xuống cỏ và khóc.
XXI
Chính lúc ấy thì con cáo xuất hiện:
"Xin chào, con cáo nói.
- Xin chào, hoàng tử bé lịch sự đáp, cậu quay người lại nhưng chẳng nhìn thấy gì.
- Tớ ở đây cơ, giọng nói cất lên, dưới cây táo...
- Cậu là ai vậy? hoàng tử bé nói. Cậu xinh thế...
- Tớ là cáo, con cáo nói.
- Đến chơi cùng tôi đi, hoàng tử bé rủ rê. Tôi đang buồn ghê lắm.
- Tớ không thể chơi với cậu được, con cáo nói. Tớ chưa được thuần hóa đâu.
- À! Xin lỗi nhé," hoàng tử bé nói.
Nhưng sau khi ngẫm nghĩ, cậu hỏi thêm:
"'Thuần hóa' có nghĩa là gì?
- Cậu không phải người ở đây, con cáo nói, cậu tìm gì vậy?
- Tôi tìm con người, hoàng tử bé nói. 'Thuần hóa' có nghĩa là gì?
- Con người ấy à, con cáo nói, họ có súng và họ đi săn. Khó chịu lắm. Họ còn nuôi gà nữa. Họ chỉ quan tâm mấy thứ đó. Cậu đi kiếm gà phải không?
- Không, hoàng tử bé nói. Tôi đi kiếm bạn bè. 'Thuần hóa' có nghĩa là gì?
- Đó là một thứ bị lãng quên hơi nhiều, con cáo nói. Nó có nghĩa là 'tạo mối ràng buộc...'.
- Tạo mối ràng buộc?
- Đúng thế, con cáo nói. Đối với tớ bây giờ, cậu vẫn chỉ là một cậu bé như trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì tớ. Đối với cậu tớ chỉ là một con cáo như trăm nghìn con cáo khác. Thế nhưng, nếu cậu thuần hóa tớ thì hai chúng ta người này liền cần đến kẻ kia. Với tớ cậu sẽ là duy nhất trên đời. Với cậu tớ sẽ là duy nhất trên đời...
- Tôi bắt đầu hiểu ra rồi, hoàng tử bé nói. Có một bông hoa... tôi nghĩ rằng cô nàng đã thuần hóa tôi...
- Có thể lắm, con cáo nói. Trên Trái Đất này người ta vẫn thấy đủ loại sự vật hiện tượng...
- Ồ! Không phải ở trên Trái Đất đâu", hoàng tử bé nói.
Con cáo tỏ vẻ tò mò cao độ:
"Trên một hành tinh khác à?
- Phải.
- Có thợ săn trên hành tinh đó không?
- Không.
- Ồ, cái đó hay! Thế có gà không?
- Không.
- Chả có cái gì được hoàn hảo," con cáo thở dài.
Nhưng con cáo đã trở lại với ý nghĩ của nó:
"Đời tớ rất là buồn tẻ. Tớ đi săn gà, con người lại săn tớ. Gà thì con nào cũng giống con nào, còn người thì ai cũng giống ai. Vì thế tớ mới thấy hơi chán. Nhưng nếu cậu thuần hóa tớ, đời tớ sẽ như thể được mặt trời tỏa nắng. Tớ sẽ quen với tiếng một bước chân khác hẳn với những bước chân khác. Những bước khác khiến tớ cuồng cuồng rúc xuống dưới đất. Tiếng bước chân của cậu sẽ gọi tớ ra khỏi hang, tựa như tiếng nhạc. Với cả hãy nhìn xem! Cậu thấy ở đằng kia không, cánh đồng lúa mì đó? Tớ chẳng ăn bánh mì. Lúa mì đối với tớ thật vô dụng. Cánh đồng lúa mì chả khiến cho tớ nhớ về điều gì hết. Và cái đó buồn kinh! Nhưng cậu lại có mái tóc màu vàng. Thế nên sẽ thật tuyệt vời khi mà cậu thuần hóa tớ! Lúa mì, vốn dĩ vàng óng, sẽ khiến tớ nhớ tới cậu. Và tớ sẽ yêu tiếng gió thổi trên đồng lúa mì..."
Con cáo im bặt và nhìn hoàng tử bé rất lâu:
"Cậu làm ơn... hãy thuần hóa tớ! nó nói.
- Tôi muốn lắm, hoàng tử bé trả lời, nhưng tôi chẳng có nhiều thời gian. Tôi còn những người bạn cần phải làm quen và rất nhiều sự việc cần phải hiểu rõ.
- Người ta chỉ hiểu những thứ mà người ta thuần hóa thôi, con cáo nói. Con người chẳng có thời gian để hiểu thứ gì cả. Họ mua đồ đạc tất thảy được làm ra ở chỗ các lái buôn. Nhưng vì chẳng có ai là lái buôn bè bạn ở trên đời, nên con người mới không có bạn nữa. Nếu cậu muốn có một người bạn, thì hãy thuần hóa tớ!
- Thế phải làm gì mới được? hoàng tử bé nói.
- Phải hết sức nhẫn nại, con cáo đáp. Đầu tiên cậu phải ngồi cách xa tớ một chút , như thế, trên bãi cỏ ấy. Tớ sẽ liếc nhìn cậu và cậu không nói gì hết. Ngôn ngữ là nguồn gốc gây ra mọi hiểu lầm. Nhưng mỗi ngày cậu có thể ngồi xích lại một chút..."
Ngày hôm sau hoàng tử bé trở lại.
"Sẽ tốt hơn nếu cậu trở lại vào cùng một giờ ấy, con cáo nói. Ví dụ nhé, nếu cậu đến vào lúc bốn giờ chiều, thì từ ba giờ tớ đã bắt đầu vui sướng rồi. Thì giờ càng trôi đi, tớ càng cảm thấy vui sướng hơn. Tới lúc bốn giờ, tớ đã bồn chồn và lo lắng rồi: tớ sẽ hiểu được cái giá của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến vào bất kỳ lúc nào, tớ sẽ chẳng bao giờ biết khi nào thì nên sửa soạn cho trái tim của tớ... Cần phải có nghi thức.
- Nghi thức là cái gì? hoàng tử bé nói.
- Đó cũng là một thứ bị lãng quên hơi nhiều, con cáo nói. Đó là thứ khiến một ngày khác với mọi ngày, một giờ khác với mọi giờ. Chẳng hạn cánh thợ săn có một nghi thức. Bọn họ cứ thứ Năm thì khiêu vũ với gái làng. Vì thế thứ Năm là một ngày tuyệt vời! Tớ có thể đi dạo tới tận ruộng nho. Nhưng nếu cánh thợ săn cứ khiêu vũ bất kỳ lúc nào, thì ngày nào cũng sẽ y chang ngày nào, và tớ sẽ chẳng có ngày nghỉ nào sất."
Vậy là hoàng tử bé đã thuần hóa con cáo. Và khi giờ khởi hành đến gần:
"Ôi! con cáo nói... Tớ phát khóc mất.
- Đấy là lỗi ở cậu, hoàng tử bé nói, tôi chẳng muốn điều gì không tốt cho cậu, nhưng mà cậu cứ muốn tôi thuần hóa cậu kia...
- Đúng thế đấy, con cáo nói.
- Nhưng giờ thì cậu sắp khóc đến nơi rồi! hoàng tử bé nói.
- Đúng thế đấy, con cáo nói.
- Thế thì cậu chẳng được gì hết!
- Tớ được chứ, con cáo nói, bởi cái màu lúa mì đấy."
Rồi nó thêm:
"Hãy đi thăm lại các bông hồng đi. Cậu sẽ hiểu ra rằng bông hồng của cậu là duy nhất trên đời. Rồi cậu hãy trở lại từ biệt tớ, và tớ sẽ có một bí mật làm quà cho cậu."
Hoàng tử bé đi gặp lại các bông hồng:
"Các cô chẳng giống bông hồng của tôi chút nào, các cô chưa là gì cả, cậu bảo chúng. Chẳng có ai thuần hóa các cô và các cô cũng chẳng thuần hóa một ai. Các cô giống như trăm nghìn con khác. Nhưng tôi đã biến cậu ta thành bạn, và cậu ta bây giờ là duy nhất trên đời."
Vậy là các bông hồng cảm thấy rất khó chịu.
"Các cô đẹp đấy, nhưng các cô lại trống rỗng, cậu lại nói tiếp với chúng. Người ta đâu thể chết vì các cô được. Còn bông hồng của tôi thì dĩ nhiên một lữ khách bình thường hẳn sẽ tưởng là nàng ấy giống các cô. Nhưng chỉ riêng mình nàng thôi, nàng đã quan trọng hơn tất cả các cô, bởi lẽ chính nàng đã được tôi tưới nước cho. Bởi lẽ chính nàng đã được tôi chắn bình phong cho. Bởi lẽ chính nàng đã được tôi bắt sâu cho (trừ hai hoặc ba con để chúng hóa bướm). Bởi lẽ chính từ nàng mà tôi đã nghe phàn nàn, hoặc khoe khoang, hoặc thậm chí đôi khi chẳng nói chẳng rằng. Bởi lẽ đấy là bông hồng của tôi."
Rồi cậu trở lại với con cáo:
"Vĩnh biệt, cậu nói...
- Vĩnh biệt, con cáo nói. Bí mật của tớ đây. Rất chi là đơn giản: người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.
- Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử, hoàng tử bé nhắc lại, để ghi nhớ.
- Chính thời gian mà cậu dành cho bông hồng của cậu mới khiến bông hồng của cậu quan trọng đến thế.
- Chính thời gian mà tôi dành cho bông hồng của tôi..., hoàng tử bé nói, để ghi nhớ.
- Con người đã quên mất chân lý này, con cáo nói. Nhưng cậu thì không được quên đấy. Cậu sẽ phải chịu trách nhiệm vĩnh viễn đối với những gì cậu đã thuần hóa. Cậu có trách nhiệm với bông hồng của cậu...
- Tôi có trách nhiệm với bông hồng của tôi...", hoàng tử bé nhắc lại, để ghi nhớ.
XXII
"Xin chào, hoàng tử bé nói.
- Xin chào, người bẻ ghi nói.
- Ông làm gì ở đây? hoàng tử bé nói.
- Tôi phân chia hành khách, một nghìn một mẻ, người bẻ ghi nói. Tôi cho tàu chở họ đi, khi thì về bên phải, khi thì về bên trái."
Và một đoàn tàu nhanh sáng trưng, gầm lên như sấm dậy, làm rung chuyển cả buồng bẻ ghi.
"Họ vội vã thế nhỉ, hoàng tử bé nói. Họ tìm gì vậy?
- Chính bản thân người lái tàu cũng chẳng biết", người bẻ ghi nói.
Và đoàn tàu nhanh sáng trưng thứ hai gầm lên, theo chiều ngược lại.
"Họ đã quay lại rồi ư? hoàng tử bé hỏi...
- Không phải cùng là một đâu, ông bẻ ghi nói. Đấy là một chuyến khác.
- Họ không hài lòng tại nơi họ ở hay sao?
- Người ta chẳng bao giờ hài lòng tại nơi mình ở", ông bẻ ghi nói.
Và gầm lên như sấm dậy đoàn tàu nhanh sáng trưng thứ ba.
"Họ đuổi theo những hành khách đầu tiên đấy ư? hoàng tử bé hỏi.
- Họ chẳng đuổi theo cái gì sất, người bẻ ghi nói. Họ đang ngủ dấp ở trong đó hoặc là họ ngáp ngắn ngáp dài. Chỉ có lũ trẻ con là gí bẹp mũi vào cửa kính.
- Chỉ có lũ trẻ con mới biết chúng tìm kiếm điều gì, hoàng tử bé nói. Chúng dành thời gian cho một con búp bê vải, và con búp bê trở nên rất quan trọng, và nếu người ta giật búp bê của chúng đi, chúng sẽ khóc...
- Chúng thật là may mắn", ông bẻ ghi nói.
XXIII
"Xin chào, hoàng tử bé nói.
- Xin chào", ông lái buôn nói.
Đó là một ông lái buôn chuyên bán những viên thuốc được cải tiến để làm dịu cơn khát. Người ta chỉ cần nuốt một viên mỗi tuần là không thấy cần phải uống nước nữa.
"Tại sao ông lại bán thứ đó? hoàng tử bé nói.
- Đó là thứ tiết kiệm thời giờ ghê lắm, ông lái buôn nói. Các chuyên gia đã tính toán rồi. Người ta dành ra được những năm mươi ba phút mỗi tuần.
- Thế người ta dùng năm mươi ba phút ấy để làm gì?
- Người ta muốn làm gì thì làm thôi..."
"Còn tôi, hoàng tử bé tự nhủ, nếu tôi có năm mươi ba phút để tùy ý sử dụng, tôi sẽ thong thả đi đến một đài phun nước..."
XXIV
Giờ thì đã đến ngày thứ tám kể từ khi tôi gặp nạn trong sa mạc, và tôi vừa nghe câu chuyện về ông lái buôn vừa uống giọt nước dự trữ cuối cùng.
"Ôi! tôi nói với hoàng tử bé, các kỷ niệm của cậu đều đẹp, nhưng tôi vẫn chưa sửa được máy bay của tôi, tôi chẳng còn gì để uống nữa, và tôi hẳn cũng sẽ hạnh phúc lắm nếu có thể thong thả đi đến một đài phun nước!
- Bạn cáo của tôi, cậu bảo tôi...
- Cậu chàng bé bỏng của tôi ơi, chẳng liên quan gì đến cáo nữa!
- Tại sao?
- Bởi vì tôi sắp chết khát..."
Cậu không hiểu lý lẽ của tôi, và cậu đáp lời tôi:
"Có được một người bạn thì tốt chứ sao, kể cả khi ta sắp phải chết. Tôi áy à, tôi rất hài lòng vì đã có bạn cáo..."
"Cậu ấy chẳng tính đến nguy hiểm, tôi tự nhủ. Cậu ấy chẳng bao giờ đói hay khát. Một chút nắng trời là đủ cho cậu ấy rồi..."
Nhưng cậu nhìn tôi và trả lời cho ý nghĩ của tôi:
"Tôi cũng khát chứ... ta hãy đi tìm một cái giếng..."
Tôi phác một cử chỉ chán nản: đi tìm hú họa một cái giếng ở giữa sa mạc mênh mông thật là một việc phi lý. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cất bước.
Trong khi chúng tôi bước đi, suốt nhiều giờ trong im lặng, đêm đã buông, và những vì sao bắt đầu tỏa sáng. Tôi nhận ra chúng tựa như trong giấc mơ, giữa cơn sốt váng vất gây ra do khát. Những lời nói của hoâng từ bé cứ nhảy nhót trong trí nhớ tôi.
"Vậy là cậu cũng khát?" tôi hỏi cậu.
Nhưng cậu không trả lời câu hỏi của tôi. Cậu chỉ nói đơn giản:
"Nước hẳn là cũng tốt cho trái tim..."
Tôi không hiểu câu trả lời của cậu nhưng đành im... Tôi biết rõ chẳng nên chất vấn cậu.
Cậu đã mệt. Cậu ngồi xuống. Tôi ngồi xuống bên cậu. Và sau một hồi im lặng, câu nói tiếp:
"Những vì sao thất là đẹp, bởi vì một bông hoa mà ta chẳng nhìn thấy..."
Tôi đáp "đúng thế", rồi không nói gì nữa tôi ngắm nhìn những nếp cát dưới ánh trăng.
"Sa mạc đẹp thật", cậu nói thêm...
Đúng vậy đấy. Tôi lúc nào cũng yêu sa mạc. Ta ngồi trên một cồn cát. Ta chẳng nhìn thấy gì. Ta chẳng nghe thấy gì. Ấy thế mà một cái gì đó cứ rạng ngời rộng yên lặng...
"Điều khiến cho sa mạc đẹp, hoàng tử bé nói, chính là nó giấu một cái giếng ở đâu đó..."
Tôi đột nhiên hiểu ra sự rạng ngời huyền bí của cát. Khi còn là một cậu bé, tôi sống trong một ngôi nhà cũ, và truyền thuyết kể rằng có một kho báu được chôn giấu trong đó. Dĩ nhiên là chưa bao giờ có ai biết cách tìm ra nó, thậm chí có thể chưa ai từng mất công đi tìm. Thế nhưng nó đã khiến cả ngôi nhà ấy trở nên mê hoặc. Ngôi nhà tôi ở đã che giấu một bí mật trong đáy lòng nó...
"Phải rồi, tôi bảo hoàng tử bé, dẫu là ngôi nhà, các vì sao hay là sa mạc đi nữa, điều khiến chúng đẹp thì con mắt thường chẳng nhìn thấy được!
- Tôi rất vui, cậu nói, vì ông đồng ý với bạn cáo của tôi."
Bởi hoàng tử bé đã ngủ thiếp đi, tôi bèn bế cậu trên tay, và lại lên đường. Tôi thấy lòng xúc động. Tôi tưởng như đang mang một kho báu mong manh. Tôi tưởng như trên Trái Đất thậm chí chẳng có gì mong manh hơn nữa. Tôi ngắm nhìn dưới ánh trăng vầng trán nhợt nhạt này, đôi mắt nhắm nghiền này, mớ tóc run rẩy trong gió này, và tôi tự nhủ: "Thứ mà mình đang thấy đây chỉ là cái vỏ. Điều hệ trọng nhất thì vô hình vô ảnh..."
Khi đôi môi hé mở của cậu hơi nhoẻn cười, tôi lại nhủ thầm: "Điều khiến mình cảm động đường ấy từ cậu hoàng tử bé thiếp ngủ này, chính là lòng thủy chung dành cho một bông hoa, chính hình ảnh một bông hồng cứ rạng ngời trong cậu như ngọn lửa trong cây đèn, kể cả khi cậu ngủ..." Và tôi đoán chừng cậu còn mong manh hơn nữa. Đèn bao giờ cũng phải che chắn thật kỹ: một ngọn gió là có thể làm nó tắt...
Và cứ đi như thế, tôi đã tìm ra cái giếng vào lúc rạng đông.
XXV
"Con người, hoàng tử bé nói, họ chen nhau trên những chuyến tàu nhanh, nhưng họ lại chẳng biết mình tìm kiếm cái gì nữa. Thế là họ mới cuống lên rồi chạy quanh..."
Và cậu thêm:
"Đâu đáng phải thế..."
Cái giếng mà chúng tôi tìm được chẳng hề giống với giếng ở Sahara. Giếng ở Sahara chỉ là những cái hố đào sâu xuống dưới cát. Còn cái này thì giống như giếng làng vậy. Thế nhưng làm gì có làng nào ở đó, và tôi cứ ngỡ là đang mơ.
"Lạ thật ấy, tôi bảo hoàng tử bé, mọi thứ đều có sẵn: ròng rọc, gàu, và dây thừng..."
Cậu cười, chạm vào sợi dây, quay cái ròng rọc.
Và cái ròng rọc rên rỉ như một cái chong chóng gió cũ kỹ khi mà ngọn gió từ lâu đã ngủ quên mất.
"Ông nghe chứ, hoàng tử bé nói, chúng ta đã đánh thức cái giếng này dậy và nó đang hát..."
Tôi không muốn cậu phải cố sức.
"Để đấy cho tôi, tôi bảo cậu, kẻo quá nặng với cậu."
Tôi chầm chậm kéo cái gàu lên tới miệng giếng. Tôi đặt nó ở đó cho thật vững. Trong tai tôi vẫn vang vọng bài ca của ròng rọc và trong làn nước hãy còn xao động, tôi thấy ánh dương run rẩy.
"Tôi khát nước đó lắm, hoàng tử bé nói, cho tôi uống nào..."
Và tôi đã hiểu ra thứ mà cậu vẫn tìm kiếm!
Tôi nâng cái gàu lên môi cậu. Cậu uống, hai mắt nhắm lại. Một hớp uống ngọt ngào như ngày hội. Nước này khác chứ đâu phải là thức uống bình thường. Nó được sinh ra từ chuyến dạ hành dưới các vì sao, từ bài ca của ròng rọc, từ cố gắng của hai tay tôi. Nó tốt lành cho trái tim, như một món quà. Hồi tôi còn là một cậu bé, ánh sáng của cây thông Noel, tiếng nhạc thánh ca trong đêm lễ vọng, vị ngọt ngào của những nụ cười đã tạo nên, như vậy đó, tất cả vẻ rạng ngời của món quà Giáng sinh mà tôi được nhận.
"Con người ở chỗ ông, hoàng tử bé nói, đem trồng năm nghìn bông hồng trong cùng một khu vườn... và họ chẳng tìm thấy ở đó điều mà họ vẫn đi tìm...
- Họ chẳng tìm thấy đâu, tôi đáp lời...
- Ấy thế mà điều họ vẫn tìm kiếm cơ thể tìm thấy được trong một bông hồng duy nhất hay một chút nước...
- Đúng vậy đấy", tôi đáp lời.
Và hoàng tử bé nói thêm:
"Nhưng mắt thường thì mù lòa. Phải tìm bằng trái tim."
Tôi uống nước. Tôi hít thở thoải mái. Trảng cát trong rạng đông nhuốm màu mật ong. Tôi cũng hạnh phúc với màu mật ong này. Vậy mà sao tôi cứ cảm thấy phiền muộn...
"Ông cần phải giữ lời hứa đấy, hoàng tử bé dịu dàng bảo tôi khi cậu ngồi xuống cạnh tôi một lần nữa.
- Lời hứa nào kia?
- Ông biết mà... một cái rọ mõm cho con cừu của tôi... tôi có trách nhiệm với bông hoa này!"
Tôi lôi từ trong túi ra những bức vẽ phác thảo. Hoàng tử bé xem một lượt rồi vừa cười vừa nói:
"Mấy cây bao báp của ông, chúng hơi giống cải bắp...
- Ồ!"
Tôi đã tự hào biết bao về mấy cây bao báp!
"Con cáo của ông... hai tai của nó... trông hơi giống cặp sừng... và chúng lại còn quá dài!"
Và cậu lại cười khúc khích.
"Cậu thật không công bằng, chú mình à, ngoài trăn kín bụng và trăn hở bụng tôi có biết vẽ cái gì khác đâu.
- Ồ! cũng chẳng sao cả, cậu nói, trẻ con hiểu hết."
Tôi bèn lấy bút chì vẽ một cái rọ mõm. Và tôi đưa cho cậu bức vẽ mà thấy lòng quặn thắt.
"Cậu có những dự tính mà tôi không biết..."
Nhưng cậu chẳng đáp lời. Cậu bảo tôi:
"Ông biết đấy, hôm tôi rơi xuống Trái Đất... đến mai là đúng ngày kỷ niệm..."
Rồi, sau một hồi im lặng, cậu nói tiếp:
"Tôi rơi xuống ngay gần đây..."
Và cậu đỏ mặt.
Và một lần nữa, không hiểu tại sao, tôi lại thấy một nỗi phiền muộn kỳ lạ.
Dù vậy, câu hỏi trong lòng tôi vẫn cứ buột ra:
"Vậy ra cái buổi sáng mà tôi đã gặp cậu, vào tám hôm trước, chẳng phải tình cờ mà cậu đi lang bạt như vậy, một thân một mình, cách xa nơi có người ở cả nghìn dặm! Cậu đang quay lại nơi cậu rơi xuống chứ gì?"
Hoàng tử bé lại đỏ mặt.
Và tôi ngập ngừng nói thêm:
"Đấy là vì ngày kỷ niệm ư?"
Hoàng tử bé đỏ mặt lần nữa. Cậu chẳng bao giờ trả lời các câu hỏi, thế nhưng, khi người ta đỏ mặt, thì đấy chẳng có nghĩa là "phải" đó sao?
"Ôi! tôi bảo cậu, tôi thấy sợ..."
Nhưng cậu đáp lời tôi:
"Ông bây giờ phải làm việc mà. Ông phải quay về với cái động cơ của ông. Tôi đợi ông ở đây. Tối mai ông hãy trở lại..."
Nhưng tôi chẳng thấy yên tâm. Tôi nhớ đến con cáo. Người ta dễ thường cũng phải khóc một tí, khi đã để cho mình bị thuần hóa...
XXVI
Bên cạnh cái giếng có một bức tường đá cũ đổ nát. Khi tôi xong việc và quay lại vào tối hôm sau, từ xa tôi đã nhận ra hoàng tử bé của tôi đang ngồi trên đó, chân buông thõng xuống. Và tôi nghe tiếng cậu nói.
"Vậy ra ấy không nhớ sao? cậu nói. Hoàn toàn không phải là ở đây!"
Một giọng khác dĩ nhiên là đã trả lời cậu đáp lại:
"Phải! Phải! ngày thì đúng rồi, nhưng địa điểm không phải ở đây..."
Tôi tiếp tục dấn bước về phía bức tường. Tôi chẳng nhìn hay nghe thấy ai cả. Song hoàng tử bé vẫn trả lời tiếp:
"... Dĩ nhiên. Ấy sẽ thấy dấu vết của tớ bắt đầu từ chỗ nào trên cát. Ấy chỉ việc đợi tớ ở đó. Đêm nay tớ sẽ tới."
Tôi ở cách bức tường có hai mươi mét nhưng vẫn chẳng nhìn thấy gì.
Hoàng tử bé nói tiếp, sau một thoáng im lặng:
"Nọc của ấy tốt đấy chứ? Ấy có chắc là sẽ không làm tớ đau đớn quá lâu chứ?"
Tôi đứng khựng, lòng quặn lại, nhưng tôi vẫn không hiểu.
"Bây giờ thì ấy đi đi, cậu nói... tớ muốn xuống dưới!"
Vậy là tôi mới hướng mắt nhìn xuống chân tường, và tôi nhảy dựng lên! Nó ở đó, vươn về phía hoàng tử bé, một trong những con rắn vàng có thể khiến bạn trong vòng ba mươi giây là xong đời. Vừa thục ngay tay vào túi để rút súng lục, tôi vừa lao nhanh tới, nhưng trước tiếng động tôi gây ra, con rắn đã hạ mình trườn nhẹ nhàng trên cát, như một tia nước hết lực mà đổ xuống, rồi chẳng hề vội vã, luồn vào giữa những hòn đá với tiếng kim khí khe khẽ.
Tôi tới chỗ bức tường cũng vừa kịp đón được trong tay chàng hoàng tử nhỏ bé, trắng bệch như tuyết.
"Chuyện này là thế nào vậy! Bây giờ cậu lại còn trò chuyện với lũ rắn!"
Tôi tháo cái khăn quàng cổ vàng mà cậu lúc nào cũng quàng. Tôi đấp nước lên hai bên thái dương của cậu rồi cho cậu uống nước. Còn bây giờ tôi không dám hỏi han cậu thêm nữa. Cậu nhìn tôi đăm đăm rồi choàng hai tay ôm quanh cổ tôi. Tôi cảm thấy trái tim cậu thoi thóp như trái tim của một con chim sắp chết, khi người ta dùng súng cạc bin bắn nó. Cậu bảo tôi:
"Tôi mừng là ông đã tìm ra thứ bị thiếu ở trong cỗ máy của ông. Ông sắp được về nhà rồi...
- Sao cậu biết?"
Tôi đến đúng là để báo cho cậu rằng, thật là bất ngờ khôn tả, tôi đã sửa được máy!
Cậu chẳng trả lời câu hỏi của tôi, nhưng cậu thêm:
"Tôi cũng vậy, hôm nay, tôi sẽ trở về nhà..."
Rồi, buồn thảm:
"Xa xôi hơn nhiều... khó khăn hơn nhiều..."
Tôi cảm thấy rõ rằng đang diễn ra một điều gì đó lạ thường. Tôi ghì cậu trong vòng tay như một đứa bé con, ấy thế nhưng tôi vẫn thấy như cậu đang trôi tuột xuống một vực thẳm mà tôi chẳng làm được gì để giữ cậu lại...
Cậu đưa mắt nhìn nghiêm trang, mất hút vào xa xăm:
"Tôi có con cừu của tôi. Và tôi có cái hòm cho con cừu. Và tôi có cái rọ mõm..."
Và cậu nở nụ cười sầu muộn.
Tôi chờ thật lâu. Tôi cảm thấy cậu đang ấm dần lên:
"Cậu chàng à, cậu đã rất sợ..."
Cậu đã rất sợ, dĩ nhiên rồi! Nhưng cậu cười dịu hiền:
"Tối nay tôi sẽ còn sợ hơn..."
Một lần nữa tôi lại cảm thấy buốt giá bởi cái cảm giác không thể sửa chữa nổi. Và tôi hiểu ra rằng tôi không chịu nổi cái ý nghĩ sẽ không bao giờ được nghe tiếng cười này nữa. Đối với tôi, nó như thể nước nguồn trong sa mạc.
Một lần nữa tôi lại cảm thấy buốt giá bởi cái cảm giác không thể sửa chữa nổi. Và tôi hiểu ra rằng tôi không chịu nổi cái ý nghĩ sẽ không bao giờ được nghe tiếng cười này nữa. Đối với tôi, nó như thể nước nguồn trong sa mạc.
"Cậu chàng à, tôi muốn nghe cậu cười nữa..."
Nhưng cậu bảo tôi:
"Đêm nay là sẽ tròn một năm. Vì sao của tôi sẽ hiện ra đúng ngay phía trên nơi tôi đã rơi xuống năm ngoái...
- Cậu chàng à, phải chăng cái câu chuyện con rắn, rồi cuộc hẹn gặp và cả vì sao nữa chỉ là một cơn ác mộng..."
Nhưng cậu chẳng trả lời câu hỏi của tôi. Cậu bảo tôi:
"Điều gì quan trọng, thì chẳng nhìn thấy được...
"Điều gì quan trọng, thì chẳng nhìn thấy được...
- Dĩ nhiên...
- Như là với bông hoa vậy. Nếu ông thương một đóa hoa ở trên một ngôi sao, thì ngắm nhìn bầu trời vào ban đêm sẽ thật ngọt ngào. Tất cả các vì sao đều nở hoa.
- Dĩ nhiên...
- Như là với nước vậy. Nước mà ông cho tôi uống cũng tựa như một bản nhạc, bởi ròng rọc và thừng... ông nhớ lại xem... nó thật tốt lành.
- Dĩ nhiên...
- Ban đêm ông sẽ ngắm nhìn các vì sao. Nơi tôi ở bé đến nỗi tôi không thể chỉ cho ông xem ngôi sao của tôi ở chỗ nào. Như thế lại hơn. Với ông, vì sao của tôi sẽ trở thành một trong các vì sao. Vậy là ông sẽ thích ngắm nhìn tất cả sao trời... Tất cả chúng sẽ trở thành bạn ông. Và tôi định tặng ông một món quà..."
Cậu lại cười.
"Ôi! chú mình ơi, chú mình ơi, tôi thích nghe tiếng cười này!
- Chính đấy sẽ là món quà của tôi... nó sẽ giống như với nước...
- Cậu muốn nói gì cơ?
- Người ta có các vì sao mỗi người một loại chẳng ai giống ai. Với những người hay đi chu du, các vì sao là bạn chỉ đường. Với những người khác, chúng chẳng là gì ngoài những đốm sáng nhỏ bé. Với những người kách là học giả, chúng là các bài toán. Với ông nhà buôn của tôi, thì chúng lại là tài sản. Nhưng tất cả các vì sao ấy đều im lặng. Chỉ có ông, ông sẽ có các vì sao mà không ai có được...
- Cậu muốn nói gì thế?
- Khi ông ngắm nhìn bầu trời vào ban đêm, vì rằng tôi sinh sống ở trên một trong các vì sao, vì rằng tôi đang mỉm cười trên một trong các vì sao, vậy nên điều ấy với ông khác nào tất thảy các vì sao cũng cười. Riêng ông thôi, ông sẽ có những vì sao biết cười!"
Và cậu lại cười.
"Và khi ông đã nguôi ngoai đi rồi (người ta có bao giờ không nguôi đâu) ông sẽ hài lòng vì đã quen biết tôi. Ông sẽ luôn là bạn của tôi. Ông sẽ muốn cười cùng tôi. Và đôi lúc ông sẽ mở cửa sổ ra, như thế đó, để cho thỏa thích... Và các bạn ông sẽ ngạc nhiên lắm khi thấy ông cứ nhìn trời mà cười. Thế là ông bảo với họ: 'Phải rồi, các vì sao, chúng luôn khiến tôi cười!' Và họ sẽ tưởng ông điên. Tôi sẽ chơi khăm ông một vố ác vậy đó..."
Và cậu lại cười.
"Vậy sẽ như thế tôi đã tặng ông không phải các ngôi sao mà là hàng đống những cái chuông nhỏ biết cười."
Và cậu lại cười. Rồi cậu trở nên nghiêm nghị:
"Đêm nay... ông biết đấy... đừng đến.
-Tôi sẽ không rời cậu đâu.
- Tôi sẽ có vẻ đau đớn... tôi sẽ có vẻ như sắp chết. Chỉ như thế thôi. Ông đừng đến xem cái đó, chẳng đáng gì...
- Tôi sẽ không rời cậu đâu."
Nhưng cậu rất lo lắng.
"Tôi nói với ông điều đó... là tại cả con rắn nữa. Nó không được cắn ông. Tụi rắn ấy, chúng rất ác. Nó thích cắn thì cắn thôi...
- Tôi sẽ không rời cậu đâu."
Nhưng có một điều đã khiến cậu an tâm:
"Đúng là chẳng còn nọc để cắn thêm lần thứ hai..."
Đêm đó tôi chẳng nhìn thấy cậu lên đường. Cậu đã lặng lẽ thoát khỏi tôi. Khi tôi đuổi tới thì cậu đang cả quyết rảo bước. Cậu chỉ bảo tôi:
"A! ông đây rồi..."
Và cậu nằm lấy tay tôi. Nhưng cậu vẫn dằn vật:
"Ông thật sai lầm. Ông sẽ phải khổ sở. Tôi sẽ có vẻ như đã chết; thế nhưng lại không phải như vậy..."
Tôi chẳng nói gì.
"Ông biết đấy. Tại vì xa quá. Tôi không thể nào mang theo cơ thể này. Nó nặng quá."
Tôi chẳng nói gì.
"Nhưng nó sẽ giống như một cái vỏ cũ bị bỏ đi thôi. Nhưng cái vỏ cũ thì chẳng việc gì phải buồn..."
Tôi chẳng nói gì.
Cậu hơi nản lòng một chút. Nhưng cậu vẫn cố gắng:
"Ông biết không, thế này sẽ rất hay. Tôi cũng vậy, tôi cũng ngắm nhìn các vì sao. Tất cả các vì sao với tôi sẽ là các giếng nước có ròng rọc han gỉ. Tất cả các vì sao sẽ rót nước cho tôi uống..."
Tôi chẳng nói gì.
"Như thế mới vui làm sao! Ông sẽ có năm trăm triệu cái chuông nhỏ, tôi sẽ có năm trăm triệu giếng nước..."
Rồi cậu cũng không nói gì nữa, bởi vì cậu đang khóc...
"Kia rồi. Hãy để tôi đi bước nữa một mình."
Và cậu ngồi xuống bởi cậu sợ.
Cậu nói tiếp:
"Ông biết đấy... bông hoa của tôi... tôi chịu trách nhiệm về nàng! Và nàng mới yếu đuối biết bao! Và nàng mới ngây thơ làm sao. Nàng có bốn cái gai chẳng ăn thua gì hết để tự vệ với cả thế gian..."
Tôi đành ngồi xuống bởi vì tôi cũng chẳng đứng nổi nữa rồi. Cậu nói:
"Vậy đấy... Tất cả chỉ là vậy..."
Cậu ngần ngại một thoáng, rồi cậu đứng dậy. Cậu đi bước nữa. Còn tôi thì nhúc nhích cũng không xong.
Chẳng có gì khác ngoài một ánh chớp vàng ở sát mắt cá chân cậu. Cậu đứng sững trong một thoáng. Cậu chẳng hề kêu lấy một tiếng. Cậu ngã xuống nhẹ nhàng như cây đổ. Việc ấy thậm chí chẳng gây nên tiếng động nào, vì ở trên cát.
XXVII
Còn bây giờ dĩ nhiên đã là sáu năm rồi... Tôi chưa bao giờ kể ra câu chuyện này. Bè bạn gặp lại tôi đều vui mừng vì thấy tôi vẫn còn sống. Tôi buồn nhưng tôi vẫn bảo họ: "Do mệt mỏi ấy mà..."
Bây giờ thì tôi đã nguôi ngoai đi một chút. Nghĩa là... chưa nguôi hẳn. Nhưng tôi biết chắc rằng cậu đã trở lại hành tinh của mình, bởi vì khi bình minh lên, tôi không thấy thân thể của cậu ở đâu. Đấy đâu phải một thân xác nặng nề gì lắm... Và đêm đêm tôi thích lắng nghe các vì sao. Chúng cũng như là năm trăm triệu cái chuông...
Nhưng đã xảy ra một sự việc khác thường. Cái rọ mõm mà tôi vẽ cho hoàng tử bé, tôi lại quên không thêm vào một cái đai da! Cậu sẽ chẳng thể buộc nó vào mõm con cừu được. Thế là tôi tự hỏi: "Điều gì đã xảy ra trên hành tinh của cậu? Hay là con cừu đã ăn mất bông hoa rồi..."
Khi thì tôi tự nhủ: "Chắc chắn là không! Hoàng tử bé hằng đêm luôn giữ bông hoa trong lồng kính, và cậu canh chừng con cừu rất kỹ..." Và thế là tôi thấy vui sướng. Và tất cả các vì sao cùng cười dịu dàng.
Khi thì tôi tự nhủ: "Người ta chỉ lơ đãng một hoặc hai lần thôi đã là quá đủ! Một buổi tối, cậu ấy quên khuấy cái lồng kính, hoặc là con cừu đã lẻn ra ngoài không một tiếng động vào ban đêm..." Vậy là tất thảy những chuông nhỏ đều biến thành nước mắt!...
Đấy là một bí ẩn lớn lao. Với bạn, những người cũng yêu quý hoàng tử bé, cũng như với tôi, chẳng thứ gì trong vũ trụ còn như trước nữa, nếu ở một nơi nào đó, chẳng ai biết ở đâu, một con cừu mà ta không quen, có hay là không, ăn một bông hồng...
Bạn hãy ngước nhìn lên trời. Bạn hãy tự hỏi: "Con cừu nó có hay là không ăn bông hoa?" Và bạn sẽ thấy mọi thứ thay đổi biết mấy...
Và chẳng bao giờ có nổi một người lớn hiểu được điều ấy quan trọng nhường nào!
Đối với tôi, đây chính là cảnh tượng đẹp và buồn nhất trên thế gian. Đấy cũng chính là cảnh ở trang trước thôi, nhưng tôi vẽ lại một lần nữa để các bạn thấy rõ. Chính tại chỗ này hoàng tử bé đã hiện ra trên Trái Đất, rồi biến mất.
Hãy nhìn kỹ cảnh này để còn nhận ra được, nếu một ngày kia bạn du ngoạn tới Châu Phi, giữa chốn sa mạc. Và nếu bạn có đi qua đó, tôi cầu mong bạn đừng vội vã, hãy đợi một lúc ở ngay dưới vì sao! Nếu khi ấy có một cậu bé con đến bên bạn, nếu cậu cười, nếu tóc cậu vàng, nếu cậu chẳng trả lời khi bạn hỏi, thì bạn đoán được là ai rồi đó. Vậy xin hãy từ tâm! Đừng để tôi buồn thêm nữa: hãy mau viết thư, báo cho tôi rằng em đã trở lại...
|
No comments:
Post a Comment